Trung Quốc công bố Xếp hạng Tín nhiệm Công dân: bao nhiêu người bị vào “danh sách đen“?

VietTimes – Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam cho biết gần 23 triệu người dân Trung Quốc đang bị hạn chế đi lại kể từ khi nước này đưa vào áp dụng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân.
Hàng triệu người Trung Quốc bị cấm di chuyển bằng máy bay và tàu cao tốc sau khi bị đưa vào danh sách đen (ảnh: SCMP)
Hàng triệu người Trung Quốc bị cấm di chuyển bằng máy bay và tàu cao tốc sau khi bị đưa vào danh sách đen (ảnh: SCMP)

Năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng Hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân. Hệ thống này nhằm mục đích gây áp lực cho công dân để tránh hành vi xấu. Hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc đã bị coi là không đáng tin cậy và bị đưa vào “danh sách đen”. Họ bị cấm tiếp cận thị trường tài chính, không được phép di chuyển bằng máy bay hoặc tàu hỏa.

Hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân là một phần trong nỗ lực tạo ra một xã hội “đáng tin cậy” hơn ở Trung Quốc. 1,4 tỷ công dân và các doanh nghiệp đều bị chấm điểm tín nhiệm. Họ có thể có điểm cộng hoặc điểm trừ. “Danh sách đen” được công bố hàng năm nhằm gây áp lực để người dân hành xử đúng đắn hơn.

Theo danh sách được công bố bởi Trung tâm Thông tin Tín dụng Công chúng Quốc gia (NPCIC), năm 2018, có hơn 3,59 triệu doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen. Họ bị cấm thực hiện một loạt động bao gồm đấu giá các dự án, tiếp cận thị trường chứng khoán, tham gia đấu giá đất đai và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cũng theo danh sách này thì 17,46 triệu công dân “uy tín thấp” bị cấm mua vé máy bay và 5,47 triệu người bị cấm mua vé tàu cao tốc. Bên cạnh những hạn chế trong việc mua vé, chính quyền địa phương cũng sử dụng các biện pháp khác để gây áp lực lên những đối tượng uy tín thấp như cấm họ mua bảo hiểm cao cấp, bất động sản. Họ sẽ bị nêu tên trước công chúng.

(ảnh minh họa: SCMP)
(ảnh minh họa: SCMP)

Để đưa ra “danh sách đen” nói trên, Trung tâm NPCIC đã thu thập hơn 14,21 triệu mẫu thông tin về những hành vi sai trái của các cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm các hành vi như lừa đảo khách hàng, không trả các khoản vay, huy động vốn bất hợp pháp, quảng cáo sai lệch, ngồi sai vị trí trên tàu hỏa hoặc gây rối trong bệnh viện.

NPCIC cũng nhấn mạnh vào các hành vi không đáng tin cậy ở những nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) và những vụ bê bối trong chăm sóc y tế. Tổng cộng có 1.282 nhà khai thác P2P, hơn một nửa ở Chiết Giang, Quảng Đông và Thượng Hải, bị đưa vào danh sách đen vì không thể trả nợ cho các nhà đầu tư hoặc có liên quan đến việc gây quỹ bất hợp pháp.

Hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe – Tập đoàn Quyền Kiện (Quanjian) và Công ty Công nghệ sinh học Trường Thắng (Changsheng) cũng có tên trong danh sách đen do liên quan đến các vụ bê bối lớn trong ngành y tế. Quyền Kiện bị cáo buộc tiếp thị sai về một sản phẩm mà một bệnh nhân ung thứ 4 tuổi đã uống, trong khi Trường Thắng – nhà sản xuất vắc xin phòng dại lớn nhất Trung Quốc đã bị phạt 1,3 tỷ USD vào tháng 10 khi bị phát hiện là bịa đặt hồ sơ.   

Trước áp lực của danh sách đen, 3,51 triệu cá nhân và tổ chức uy tín thấp đã tiến hành trả nợ hoặc đóng tiền phạt để được nâng hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, một số luật sư và tổ chức ngân quyền đã bày tỏ sự lo ngại về sự chính xác của việc chấm điểm tín nhiệm công dân mà không xét tới hoàn cảnh. Một luật sư nói rằng nhiều người vì quá nghèo nên không thể trả nợ, và việc họ bị hạn chế các quyền công dân cũng như bị bêu tên trước công chúng là một sự vi phạm nhân quyền.

Theo Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam