Nga, Trung diễn tập tên lửa đáp trả Mỹ ở Đông Bắc Á

VietTimes -- Trung Quốc và Nga tích cực diễn tập phòng thủ tên lửa trong bối cảnh Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á tăng cường triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và tên lửa hành trình ở khu vực, gây nhiều liên tưởng cho dư luận.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: Chinanews.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: Chinanews.

Từ ngày 11 đến ngày 16/12, quân đội Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa liên hợp trên máy tính Aerospace Security lần thứ hai (Aerospace Security 2017) ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nói về mục đích cuộc diễn tập lần này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết hai bên thông qua các nội dung như lên kế hoạch cùng diễn tập tác chiến phòng không, phòng thủ tên lửa, hiệp đồng chỉ huy và hỏa lực, ứng phó với các cuộc tấn công bất ngờ và mang tính thách thức của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhằm vào lãnh thổ hai nước. Trong tương lai, Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường hợp tác phòng không, phòng thủ tên lửa theo nhu cầu.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích cuộc diễn tập lần này là nâng cao mạnh mẽ trình độ hiệp đồng giữa quân đội Nga và Trung Quốc để ứng phó với các thách thức hiện đại. Đồng thời nhấn mạnh cuộc diễn tập lần này không nhằm vào bên thứ ba.

Mặc dù quân đội hai nước đều khẳng định cuộc diễn tập này không nhằm vào bên thứ ba, nhưng trong bối cảnh hệ thống THAAD Mỹ triển khai ở Hàn Quốc tạo ra mối đe dọa cho khu vực Đông Bắc Á trong đó có Trung Quốc, diễn tập phòng thủ tên lửa của quân đội hai nước lớn Trung Quốc và Nga đã gây sự chú ý cho dư luận quốc tế.

Kịch bản của cuộc diễn tập Aerospace Security-2016 lần thứ nhất giữa Trung - Nga đã hoàn toàn mô phỏng hành động chiến đấu thực tế. Sĩ quan quân đội hai bên đã diễn tập cách thức chỉ huy tác chiến phòng thủ, trọng điểm là diễn tập chỉ huy hệ thống trực ban tác chiến và cảnh báo sớm tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống giám sát không gian, phóng và giám sát mục tiêu. Đồng thời, còn kiểm nghiệm hiệu quả tác chiến của hệ thống quan sát và thông tin để sử dụng những kỹ năng này trong diễn tập dã ngoại trong giai đoạn 2.

Tên lửa phòng không. Ảnh: Sohu.
Tên lửa phòng không. Ảnh: Sohu.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng nhìn vào nội dung diễn tập do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, cuộc diễn tập liên hợp lần này sát thực tế chiến đấu hơn so với cuộc diễn tập lần thứ nhất, cấp độ cao hơn. Nếu lần này cũng làm theo mô hình của cuộc diễn tập lần thứ nhất thì có nội dung diễn tập phải được tiến hành ở dã ngoại.

Mặc dù không tiến hành bắn đạn thật như ở thao trường, nhưng binh sĩ quân đội hai nước đã nắm được phương pháp trao đổi thông tin trong tình hình lãnh thổ hai nước không bị tấn công. Trung Quốc cho biết mức độ phối hợp của hai bên được nâng lên rất lớn.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trước cuộc diễn tập lần này không lâu, Nga đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất A-235.

Trong khi đó, các hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-300 của Nga và HQ-9 của Trung Quốc đã tham gia cuộc diễn tập mô phỏng lần này, cho thấy hai bên có nội dung được tiến hành ở dã ngoại. Trong diễn tập không sử dụng lực lượng tác chiến, nhưng quân nhân hai nước sẵn sàng tham gia một cuộc chiến tranh thực sự. Đây là tiến triển mới của hợp tác chiến lược hai nước.

Tờ Newsweek Mỹ cho rằng, Trung Quốc và Nga chuẩn bị cho các cuộc đối đầu với Mỹ và đồng minh trong khu vực. Tờ Hoa Nam buổi sáng Hồng Kông lưu ý rằng thời gian biểu của cuộc diễn tập lần này trùng khớp với cuộc diễn tập tương tự của ba nước Mỹ - Nhật - Hàn. Theo nhà nghiên cứu Nga Victor Murakhovsky, cuộc diễn tập này thực chất là đề phòng tính bất trắc của Mỹ và Triều Tiên.

Chuyên gia an ninh hàng hải của Đại học công nghệ Nanyang, Singapore Collin Koh cho rằng Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc diễn tập lần này nhằm đáp trả xu thế hợp tác ngày càng tăng trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á.

Ông đưa ra hai bằng chứng về vấn đề này, đó là Nhật Bản mong muốn mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mặt đất của Mỹ, đồng thời Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc.

Binh sĩ Trung Quốc và Nga. Ảnh: Sputnik.
Binh sĩ Trung Quốc và Nga. Ảnh: Sputnik.

Nhà nghiên cứu Vasilii Cashin từ Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng: "Đây là cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa trên máy tính lần thứ hai của quân đội hai nước, lần trước được tiến hành ở Moscow, cũng thông qua máy tính tiến hành diễn tập mô phỏng hành động chiến đấu thực tế. Điều này có nghĩa là, hai bên không có diễn tập thực tế phòng thủ đối với các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay tấn công hạt nhân chiến lược".

Nhưng theo chuyên gia Vasilii Cashin, cuộc diễn tập vẫn tương đối quan trọng, bởi vì đã diễn tập mô phỏng các hệ thống phòng không S-400, S-300 và HQ-9, các thao tác trên máy tính có thể mô phỏng quy trình trao đổi, truyền dẫn tự động dữ liệu, hai bên đều có thể thu dược tin tức tình báo từ hệ thống radar của đối phương, từ đó tiến hành trao đổi cho nhau, xây dựng trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa liên hợp. Điều này rất quan trọng đối với nâng cao tính liên hợp trong tác chiến của quân đội hai nước.

Đồng thời, chuyên gia Vasilii Cashin cho rằng cuộc diễn tập hoàn toàn không sử dụng vũ khí trang bị và tiến hành bắn đạn thật. Cashin dự đoán: "Điều này cho thấy hai bên không có hiệp ước liên minh. Nhưng một khi tình hình thay đổi, khi cần đưa ra quyết định chính trị, chỉ cần thực hiện một số thủ tục thì tất cả có thể vận hành có trật tự. Bởi vì công tác chuẩn bị cho việc tương tác thuận lợi đã hoàn thành ở mức độ rất lớn. Binh sĩ hai nước quen biết nhau, đã biết rõ thực lực của đối phương. Các hành động trong tương lai sẽ dễ dàng hơn".

Ngoài ra, có chuyên gia Nga cho rằng hai bên tiến hành diễn tập phòng thủ tên lửa có thể giúp hai bên học tập lẫn nhau, cùng nâng cao hệ thống phòng thủ tên lửa của nhau.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo. Ảnh: Sputnik.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo. Ảnh: Sputnik.

Đáng chú ý, hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng, bao gồm hệ thống mặt đất và không gian. Trung Quốc còn lạc hậu so với Nga trong lĩnh vực này.

Để hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Trung Quốc hy vọng có được khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn giữa và cuối. Trung Quốc còn đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tên lửa như Nga hiện nay.

Trong tình hình hiện nay, cuộc diễn tập lần này cho thấy lợi ích chung của hai nước trong hợp tác về công nghệ quân sự. Trung Quốc rất quan tâm đến kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Trong khi đó, Nga hy vọng thu được lợi ích thương mại từ hợp đồng mới với Trung Quốc.