Trung bình mỗi người Việt sở hữu 1,3 thuê bao di động

VietTimes -- Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam, với dân số khoảng 92 triệu người, hiện có 119,4 triệu thuê bao di động. Như vậy, mỗi người Việt, kể cả người già, trẻ em, người dân thành phố hay vùng sâu vùng xa, sở hữu trung bình 1,3 thuê bao di động.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
Cũng theo bản thống kê này, doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến cuối tháng 6/2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,5 triệu thuê bao, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,4 triệu thuê bao, giảm 6,2% do các nhà mạng thực hiện thu hồi sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 9,9 triệu thuê bao, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, theo số liệu về việc sử dụng internet, thiết bị di động và mạng xã hội ở khu vực Đông Nam Á của Công ty We Are Social trong quý 4/2015 cho biết, Việt Nam có tới 150% dân số ở đây sở hữu thuê bao di động, tương đương mỗi người Việt sở hữu 1,5 thuê bao di động.
We Are Social ghi nhận, sự phổ biến của internet, thiết bị di động và mạng xã hội đang là nguyên nhân khiến nhu cầu sở hữu thuê bao di động tăng cao ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trung bình mỗi người Việt sở hữu 1,3 thuê bao di động ảnh 1Số liệu về việc sử dụng thiết bị di động ở khu vực Đông Nam Á của Công ty We Are Social tại thời điểm quý 4/2015.

Cũng theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của 18,1 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.455,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng là 627,3 nghìn người, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2017 là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 17%), trong đó có 5.020 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,2%.  

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 37.907 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.377 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, kinh tế - xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II cao hơn quý trước.
Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn hạn chế: Tốc độ tăng trưởng mới đạt xấp xỉ như dự kiến; tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước và giá nông sản, thực phẩm giảm; đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn.