Phạm Trung Tuyến
Phạm Trung Tuyến

Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông

Trục xuất cư dân vì “Anh ơi đô thành giờ đây em sống không quen”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không còn chỉ là một phát ngôn buồn cười về “cái lu chống ngập”, vị đại biểu nhân dân tiếp tục đề nghị trục xuất những cư dân không tuân thủ quy định của thành phố?

Có lẽ hiếm khi nào mà tên tuổi một nữ trí thức, chính khách cấp tỉnh lại chiếm băng thông internet nhiều như trường hợp của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân những ngày vừa qua. Thậm chí, ngay cả những cái tên nổi bật trong giới showbiz cũng không dễ dàng làm được điều tương tự. Vị PGS.TS - đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM làm được điều đó chỉ bằng một lần phát biểu trong phiên họp Hội đồng nhân dân.

Phát biểu về chuyện cái lu chống ngập của bà Xuân dù có phần ngây ngô nhưng vẫn có thể được nhiều người cảm thông, bởi nó gây cười, nhưng không gây hại.

Nhưng phát biểu của vị PGS.TS này về việc thành phố cần mạnh tay hơn với những người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố, và đề xuất đưa họ trở về quê cũ, thậm chí là giễu cợt họ bằng một câu hát: “Anh ơi đô thành giờ đây em sống không quen”, thì nó không còn là một phát ngôn buồn cười nữa. Ngay cả những người vốn cảm thông với chuyện cái lu của bà cũng không còn có thể chấp nhận được quan điểm khó nói này.

Là một chính khách, dù chỉ trong phạm vi tỉnh thành, cũng là người có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách công của thành phố. Với cương vị đó, các phát ngôn thiếu cẩn thận không chỉ gây tổn thương tình cảm của những người dân nhập cư, nguồn lao động chính tạo nên sức sống của TpHCM, mà còn có khả năng gây ra sự chia rẽ giữa các nhóm cư dân.

Ở một khía cạnh khác, quan điểm “trục xuất” dân nhập cư đã ít nhiều chà đạp lên tinh thần của luật pháp, khi phủ nhận quyền tự do cư trú của người dân, đã được bảo vệ và ghi rõ trong hiến pháp. 

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là đại biểu HĐND TP.HCM và đồng thời là giảng viên ĐH Khoa học XHNV TP.HCM
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là đại biểu HĐND TP.HCM và đồng thời là giảng viên ĐH Khoa học XHNV TP.HCM

Nữ ĐB HĐND TP Hồ Chí Minh sau khi gây ồn ào thì lại nhấn mạnh: “Hiến pháp cũng như Luật cư trú đã có hiệu lực từ năm 2007 quy định rất rõ mọi công dân đều có quyền tự do cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến một bộ phận người nhập cư hay lao động bất hợp pháp nếu có hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định thì TP HCM cần có biện pháp mạnh như đưa họ về nơi xuất cư”.

Cho dù vị PGS.TS cho rằng ý của bà là chỉ áp dụng biện pháp này đối với những người lao động trái phép, vi phạm pháp luật, thì điều đó cũng không đúng. Bởi nếu vi phạm pháp luật thì dù người nhập cư hay người bản địa đều phải chịu chế tài như nhau, trong đó không có chế tài nào là đưa về nơi cư trú.

Khi mới nghe những phát ngôn đầy tính kỳ thị của vị PGS.TS về người nhập cư, lập tức gây phản ứng ồn ào trên báo chí và các trang mạng xã hội, tôi rất ngạc nhiên khi biết bà cũng vốn là một người nhập cư. Liệu rằng phát ngôn thiếu cẩn thận của vị đại biểu nhân dân này có phải là biểu hiện của hội chứng tâm lý khá phổ biến “rối loạn nhân cách tránh né”?

Hiện tượng một người kỳ thị những người có cùng gốc gác với mình thực ra rất phổ biến với những người mắc hội chứng rối loạn tránh né. Bởi khi bày tỏ quan điểm kỳ thị người nhập cư, họ tìm thấy cơ hội trốn thoát nỗi mặc cảm về xuất xứ của bản thân. Đó cũng là lý do rất nhiều người cố gắng thay đổi giọng nói địa phương, thậm chí cố gắng che dấu quê quán, khi chuyển đến cư trú ở một địa phương khác.

Nếu PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân không mặc cảm về xuất thân nhập cư của mình, liệu bà đã có trong tay Bộ chuẩn mực lối sống, đạo đức ứng xử dành cho người dân TP.HCM khi phát biểu như trên?

Ngoài TP.HCM, các tỉnh thành khác trên cả nước hiện nay đã có được Bộ chuẩn mực về lối sống đạo đức, ứng xử dành cho cư dân hay chưa? Theo tôi biết, một số tỉnh, thành phố, ngành đã ban hành Quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức, nhân viên trong ngành, chứ ở cấp độ cho toàn thể người dân thì chưa.

Bốn anh gồm Tấn Lợi, Lê Văn Cẩn, Ngô Văn Diến, Trần Văn Chiến, cùng quê Cà Mau lên TP.HCM làm công nhân tại các công trình xây dựng tại Thủ Thiêm, quận 2. Họ sống trong các lều trại dành cho công nhân gần công trình. Trong ảnh: 4 anh ăn cơm trưa tại khu lều trại sau khi đi làm về - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bốn anh gồm Tấn Lợi, Lê Văn Cẩn, Ngô Văn Diến, Trần Văn Chiến, cùng quê Cà Mau lên TP.HCM làm công nhân tại các công trình xây dựng tại Thủ Thiêm, quận 2. Họ sống trong các lều trại dành cho công nhân gần công trình. Trong ảnh: 4 anh ăn cơm trưa tại khu lều trại sau khi đi làm về - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hơn nữa, nếu đã là chuẩn mực lối sống, đạo đức ứng xử cho cư dân, cần một cơ quan, bộ ngành phù hợp tiến hành nghiên cứu xã hội, soạn thảo, trình phê duyệt để ban hành rộng rãi trên khắp cả nước. Dù  là cư dân ở đâu, vùng miền nào cũng phải tuân thủ chuẩn mực này.

Chứ nếu vẫn phân biệt thành phố và vùng quê, đưa giải pháp trục xuất những cư dân không tuân thủ chuẩn mực ứng xử của đô thị về quê, vậy đô thị có sẵn sàng nhận lại những cư dân xuất thân thành phố nhưng bị các vùng quê trả về nơi sinh ra, do ứng xử không phù hợp với nông thôn?

Trước mắt, nếu chưa thể làm được những điều lớn lao, tôi cho rằng việc cần và có thể làm là xóa bỏ tư tưởng kỳ thị vùng miền trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong đời sống của các đô thị lớn. Bởi, chính sự kỳ thị đó góp phần làm gia tăng hội chứng tâm lý rối loạn nhân cách né tránh của một bộ phận những người nhập cư đang cố gắng khẳng định mình trong các thành phố.