Công ty khoa học kỹ thuật Trung Quốc sa vào bê bối đạo nhái sản phẩm Mỹ:

Trình duyệt Redcore (Hồng Tâm) được tuyên truyền là “trình duyệt duy nhất hoàn toàn của Trung Quốc" bị tố đạo nhái Google Chrome

VietTimes -- Trình duyệt Redcore (Hồng Tâm) của Công ty Hữu hạn khoa học kỹ thuật Hồng Tâm Bắc Kinh - vốn được tuyên truyền là “trình duyệt hoàn toàn của Trung Quốc trong số 5 trình duyệt của thế giới, đã phá vỡ sự lũng đoạn của người Mỹ” - đã bị tố cáo là hàng nhái trình duyệt Google Chrome của Mỹ.
Hình ảnh quảng cáo cho Redcore trước khi bị gỡ bỏ
Hình ảnh quảng cáo cho Redcore trước khi bị gỡ bỏ

Vào lúc quan chức hai bên Trung – Mỹ chuẩn bị quay trở lại bàn đàm phán ngõ hầu tìm cách chấm dứt cuộc Chiến tranh thương mại thì một công ty khoa học kỹ thuật Trung Quốc lại sa vào vụ bê bối đạo nhái sản phẩm Mỹ.

Ngày 16/8, trình duyệt Redcore (Hồng Tâm) của Công ty Hữu hạn khoa học kỹ thuật Hồng Tâm Bắc Kinh được tuyên truyền là “trình duyệt duy nhất hoàn toàn của Trung Quốc trong số 5 trình duyệt của thế giới (4 cái kia là IE, Google Chrom, Firefox, Safari), đã phá vỡ sự lũng đoạn của người Mỹ”, vừa nhận được đầu tư 250 triệu NDT từ các công ty lên sàn, chính phủ và các  công ty khác như IDG, Khoa Đại Tấn Phi, Thần Hưng Tư Bản, Đạt Thần…hôm 15/8; đã bị tố cáo là đạo nhái trình duyệt Google Chrome của Mỹ. Vụ việc lập tức gây rúng động dư luận, bị coi là phiên bản của sự kiện chip Hán Tâm đạo nhái chip của hãng Motorola hồi năm 2006..

Một bài viết phê phán Redcore đạo nhái Chrome và chỉ trích :Kế hoạch ngàn người" trên báo chí
Một bài viết phê phán Redcore đạo nhái Chrome và chỉ trích :Kế hoạch ngàn người" trên báo chí

Điều đáng chú ý hơn nữa là, Trần Bản Phong, người sáng lập Công ty Hồng Tâm từng theo học ở Đại học Khoa học kỹ thuật Hongkong, được Microsoft tuyển dụng, được các giải thưởng ở Trung Quốc và Hongkong và được Trung Quốc mời tham gia vào “Kế hoạch Ngàn người”– một dự án lớn của Trung Quốc bị Mỹ phê phán dựa vào đó để lấy cắp và chuyển dịch kỹ thuật của Mỹ. nhiều chuyên gia, học giả người Hoa tham gia vào dự án này đã bị Mỹ bắt hoặc từ chối cấp visa nhập cảnh.

Vụ việc được phát hiện bởi một người sử dụng internet Trung Quốc khi cài đặt trình duyệt, sau khi giải nén nhiều lần đã phát hiện thấy có các văn kiện cùng tên với Google Chrome phiên bản tiếng Trung; các hồ sơ bên trong càng y chang văn kiện của Google Chrome. Tờ “Financial Times” của Anh đã tiến hành trình tự giải nén lại và cũng cho kết quả giống như người sử dụng internet của Trung Quốc đã điều tra.

Bà Cao Tịnh, một trong số những người liên kết sáng lập Công ty Hồng Tâm đã đáp trả cáo buộc Redcore là sản phẩm đạo nhái, cho rằng: “Bên trong Redcore có bao hàm Chrome, nhưng không phải là sao chép, mà là đứng trên vai người khổng lồ để sáng tạo (!)”.

Trình duyệt Redcore (Hồng Tâm) được tuyên truyền là “trình duyệt duy nhất hoàn toàn của Trung Quốc" bị tố đạo nhái Google Chrome ảnh 2

 Logo trình duyệt allmobilize

Trần Bản Phong, ông chủ và người sáng lập công ty thì thừa nhận, đúng là họ đã khai thác, phát triển từ nhân điều hành của Chrome, nhưng có tự chủ sáng tạo để phù hợp với nhu cầu truy cập mạng của các văn phòng của khách hàng Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh, khách hàng của Hồng Tâm đều là các doanh nghiệp, “không phải chúng tôi lừa lấy tiền nhà nước, chúng tôi không cầm tiền của nhà nước”.

Tuy nhiên, từ chiều 16/8, trang web chính thức của công ty đã gỡ bỏ hướng dẫn download và cài đặt trình duyệt Redcore.

Vụ việc Redcore đạo nhái Chrome đã gây rúng động dư luận, làm dấy lên làn sóng phê phán, chỉ trích mạnh mẽ trên báo chí và trong cộng đồng mạng. Có người châm biếm “Mặc áo đỏ (hồng) còn tâm thì của Google”, “Đã là năm 2018 rồi mà còn trương chiêu bài hàng nội”, “Chỉ bỏ ra 5 phút bao gói Chrome mà có ngay 250 triệu, kiếm tiền thật dễ…”, “Đúng là cú kinh doanh dưới cờ hiệu yêu nước”, “Công ty này đâu có khác gì công ty làm vaccine giả kia chứ…”.

Ông Phương Bảo Kiều, Hội trưởng danh dự Thương hội Khoa học kỹ thuật tin học Hongkong nói: Các vụ làm giả ở Trung Quốc Đại Lục rất nhiều, lần này trình duyệt bị làm nhái cũng không có gì là lạ; nhưng sao chép của người ta làm của mình thì phải trả tiền bản quyền. Ví dụ nhiều công ty công khai cho biết sử dụng nhân Blink của Google Chrome, nay họ đều cho rằng sự kiện này khiến các công ty Trung Quốc hổ thẹn.

Trình duyệt Redcore (Hồng Tâm) được tuyên truyền là “trình duyệt duy nhất hoàn toàn của Trung Quốc" bị tố đạo nhái Google Chrome ảnh 3

 Logo trình duyệt Redcore

Trước việc Hồng Tâm phủ nhận sao chép, biện bạch “sáng tạo trên vai người khổng lồ”, ông Phương Bảo Kiều cho rằng: “Không có chút khái niệm về bản quyền, không ngang hàng với một công ty quốc tế bình thường”. Ông cũng phản bác luận điệu “không lừa lấy tiền nhà nước” của Trần Bản Phong: “Huy động được 250 triệu tệ mà không phải lừa tiền sao? Ông ta đã lừa lấy tiền của các nhà đầu tư”.

Trang tin điện tử “The Paper” cũng đăng bài chỉ trích: “Thay cái vỏ, đầu cơ trục lợi, rõ ràng là kẻ thù của khoa học kỹ thuật Trung Quốc vươn lên. Phát triển khoa học kỹ thuật phải đi từng bước trên mặt đất, không thể từ trên trời rơi xuống, không thể hành khất hóa duyên, càng không thể dựa vào khoác lác, ăn bánh vẽ để no”.

Trần Bản Phong, người bị coi là thủ phạm vụ làm giả nghiêm trọng này sinh năm 1980 tại Phúc Kiến, có bằng cử nhân Công trình điện tử Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc; năm 2006 vào tập đoàn Microsoft làm kỹ sư khai thác nhân trình duyệt Internet Explorer, được truyền thông Trung Quốc coi là người taoh ra trang IE 404, tiết kiệm được 297 triệu USD cho Microsoft. Năm 2012, Phong về Hongkong khởi nghiệp, lập ra AllMobilize, từng hợp tác với Hòa Ký Hoàng Phố của tỷ phú Lý Gia Thành, nhưng do thị trường Hongkong quá nhỏ nên ông ta quay về Trung Quan Thôn Bắc Kinh, được tung hô là “1 trong 10 ngôi sao từ hải ngoại trở về của Trung Quan Thôn”, “Nhân tài ưu tú” của chính quyền Đặc khu Hongkong. Năm 2014 Phong đã được Thống đốc Hongkong Lương Chấn Anh trao Giải thưởng sáng tạo ICT Hongkong năm 2014; năm 2015 được Trung Quốc đưa vào danh sách “Kế hoạch ngàn người” đợt thứ 11.

Sau khi xảy ra cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ năm nay, hãng ZTE bị Mỹ trừng phạt, ngày 1/5, AllMobilize đã tuyên bố đổi tên thành Hồng Tâm. Trần Bản Phong giải thích, công ty đổi tên là mong muốn thể hiện tinh thần sáng tạo; trình duyệt là then chốt của lõi số liệu, Redcore hy vọng được trở thành trình duyệt an toàn do Trung Quốc tự chủ sáng tạo.

Hai người sáng lập Hồng Tâm: Cao Tịnh (trái) và Trần Bản Phong (phải)
Hai người sáng lập Hồng Tâm: Cao Tịnh (trái) và Trần Bản Phong (phải)

Hồng Tâm có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội, chính quyền và giới kinh doanh; khách hàng sử dụng Redcore bao gồm Quốc Vụ viện, Ủy ban quản lý tài sản công hữu…và hơn 500 công ty lớn; đã giành được nhiều giải thưởng lớn, như hồi tháng 7/2018 vừa được nhận “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật tiên phong an toàn thông tin công nghiệp quốc phòng  2018”.

Một ngày trước khi xảy ra vụ bê bối, Cao Tịnh – người hợp tác sáng tạo Redcore còn huênh hoang tuyên bố khi nhận được tiền đầu tư: “Hiện nay chúng tôi đã vừa có lợi nhuận chính trị vừa có tiền lãi về kỹ thuật. Mục tiêu tương lai của chúng tôi là để mỗi người Trung Quốc việc làm đầu tiên hàng ngày là bật máy, mở trình duyệt Redcore”.

Với việc phải lặng lẽ gỡ bỏ Redcore khỏi trang web của mình, Hồng Tâm đã gián tiếp thừa nhận sản phẩm của họ là đồ ăn cắp của người khác, có nguy cơ đối mặt với một vụ kiện mà họ cầm chắc phần thua.

Tin mới nhất, chiều ngày 17/8, Hồng Tâm, Bắc Kinh đã phải đăng trên trang web chính thức của mình Thư ngỏ xin lỗi, thừa nhận "trong quá trình tuyên truyền đã tồn tại sự phóng đại nhất định, dẫn đến sự hiểu lầm của công chúng" (!).