Triều Tiên, Trung Quốc “thắng lớn” trong tranh chấp căng thẳng Nhật-Hàn

VietTimes -- Rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang lớn dần - gây ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác an ninh giữa hai nước trong vấn đề Triều Tiên và có khả năng tạo nên thế thắng cho Trung Quốc.
Tranh chấp căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thù địch (Ảnh: FT)
Tranh chấp căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thù địch (Ảnh: FT)

Hàn Quốc mới tuyên bố rằng họ sẽ hủy một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản trong vài tháng tới, làm tăng căng thẳng với Tokyo trong cuộc chiến thương mại vốn bắt nguồn từ tranh chấp kéo dài trong quá khứ.

Quyết định hủy thỏa thuận là một đòn chí mạng với khối liên minh quân sự mà Mỹ dẫn đầu mà trong suốt nhiều thập kỷ qua đã giúp thiết lập hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á cùng lúc ngăn chặn hữu hiệu tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng tình trạng hiện nay chính là hậu quả từ quan điểm lãnh cảm với các khối đồng minh truyền thống của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ đó tạo kẽ hở cho các bên thù địch gây xói mòn các mối quan hệ này. Lời phê bình tương tự cũng từng được đưa ra vào hồi đầu năm, khi mà Seoul và Tokyo xảy ra bất đồng liên quan tới hàng loạt vụ chạm trán quân sự.

Trung Quốc và Triều Tiên từ lâu đã tìm cách làm giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á bằng cách gây tổn hại tới quan hệ ba bên giữa Washington, Seoul và Tokyo.

Mắt xích yếu nhất trong tam giác này là quan hệ giữa Seoul và Tokyo - hai bên đều mất niềm tin lẫn nhau do vấn đề tranh chấp từ thời Đế quốc Nhật đô hộ Triều Tiên. Những người phê bình chính sách Đông Bắc Á của chính quyền Trump còn cáo buộc Tổng thống Mỹ đã phớt lờ vai trò truyền thống của nước này trong việc hòa giải tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Mỹ chính là điểm chung giữa hai đồng minh song phương và giờ đã tỏ ra rất kém hiệu quả trong chuyển động thông tin theo cả hai hướng" - Vincent Brooks, cựu tướng Mỹ từng chỉ huy các lực lượng phối hợp Mỹ-Hàn, nhận định.

Thỏa thuận đổ vỡ

Hàn Quốc tuyên bố hủy thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản đặt khối đồng minh mà Mỹ dẫn đầu vào thế khó (Ảnh: Washington Post)
Hàn Quốc tuyên bố hủy thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản đặt khối đồng minh mà Mỹ dẫn đầu vào thế khó (Ảnh: Washington Post)

Trên thực tế, việc tiêu hủy thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Nhật-Hàn sẽ ảnh hưởng tới nhiều thứ.

Ví dụ Triều Tiên thử nghiệm thêm một tên lửa tầm ngắn, như họ đã từng làm rất nhiều lần trong mùa Hè năm nay. Dữ liệu tình báo của Hàn Quốc có thể đưa ra chi tiết về tên lửa đó: Tốc độ, cao độ và cả mức độ tinh vi của tên lửa đó. Thông tin này có thể giúp Tokyo, Seoul và Washington nắm được thông tin chi tiết từ đó nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa của họ, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Thỏa thuận trên còn cho phép hai bên "chia sẻ thông tin tình báo quân sự một cách nhuần nhuyễn", nhưng hiện tại, khi thỏa thuận bị ngừng, Mỹ sẽ buộc phải đóng vai trò trung gian - Abraham Denmark, cựu Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề quốc phòng Đông Á, nhận định. "Điều này làm chậm tiến trình đưa ra quyết định, không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động thường nhật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng diễn biến nhanh" - ông Denmark nói.

Sự việc trên cũng mang tới lợi ích cho Trung Quốc, một thế lực khu vực tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo mà Nhật đang quản lý; cùng lúc làm chậm quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Các bước tiến trong công nghệ quân sự mới đây của Trung Quốc đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với các quan chức quốc phòng Mỹ, những người đã đưa ra cảnh báo rằng Bắc Kinh đang trên đường trở thành "một thế lực vượt trội trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã triển khai thêm nhiều tàu ngầm, chiến hạm, các tàu đổ bộ lưỡng cư cùng các trang thiết bị quân sự phụ trợ với số lượng áp đảo tổng số chiến hạm mà hải quân các nước gồm Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh đã triển khai gộp lại - theo báo cáo của IISS, công bố năm 2018.

Lực lượng không quân Trung Quốc cũng thường xuyên cho ra mắt các mẫu chiến đấu cơ, vũ khí mới và hiện đại, trong đó có mẫu chiến đấu cơ tàng hình hai động cơ J-20. Không quân Trung Quốc giờ có sức mạnh đứng đầu châu Á và đứng thứ 3 trên toàn thế giới - theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ - và đang dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ xét về khả năng chiến đấu.

Để đối phó với tham vọng đó, Mỹ cần phải tăng cường hợp tác với các đối tác quốc phòng châu Á. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya nói rằng, động thái của Hàn Quốc cho thấy "một sự đánh giá sai" tình hình an ninh hiện tại trong khu vực.

"Quyết định cực kỳ đáng thất vọng và đáng tiếc" - ông Iwaya nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong khi đó, nói rằng ông lấy làm "thất vọng" trước quyết định hủy thỏa thuận của Seoul, thêm rằng, ông hy vọng "hai nước có thể bắt đầu mang mối quan hệ trở lại đúng hướng".

Tầm ảnh hưởng sâu sắc

Các vấn đề
Các vấn đề "phụ nữ mua vui" hay lao động khổ sai vẫn còn nhức nhối trong quan hệ giữa hai nước (Ảnh: CDN)

Có thể nói Nhật Bản và Hàn Quốc là hai "người bạn vì lợi ích" nhờ vào việc mỗi nước đều có hiệp ước đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, họ lại là hai nước thù địch trong quá khứ, bắt nguồn từ di sản Đế quốc Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu của thế kỷ 20. Dưới thời kỳ bị Nhật đô hộ, nhiều người dân Hàn Quốc bị đối xử tàn tệ, bị sát hại và bị bắt làm nô lệ. Những ký ức đau đớn đó vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lớn tuổi ở Hàn Quốc và là vấn đề dễ gây xúc động ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một hiệp ước vào năm 1965, giúp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và giải quyết các bất đồng thời chiến. Nhưng Hàn Quốc lúc bấy giờ đang trong chế độ độc tài quân sự, nên nhiều người Hàn Quốc cảm thấy thỏa thuận này không công bằng.

Ngày nay, hai quốc gia vẫn bị khóa trong cuộc tranh luận gay gắt liên quan tới vấn đề "phụ nữ mua vui" - những người phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải mua vui cho các binh sỹ Nhật Bản trong thời chiến - và các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc mới đây, cho phép công dân nước họ kiện các tập đoàn Nhật Bản vì sử dụng lao động ép buộc thời chiến.

Nhật Bản phản đối cả hai vấn đề này, cho rằng chúng đã được giải quyết bằng hiệp ước năm xưa.

Nhưng dù tranh chấp về vấn đề trong quá khứ, quan hệ quân sự giữa Nhật và Hàn phần lớn không chịu ảnh hưởng.

Việc thuyết phục hai nước ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết các vấn đề tranh chấp và nhắc cho họ về lợi ích của sự đoàn kết khi đối mặt với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng hay Bắc Kinh là công việc truyền thống của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như đã phớt lờ vai trò này. Ông từng công khai đặt câu hỏi về giá trị của việc đầu tư quá nhiều tiền của vào mạng lưới đồng minh trong khu vực, và thúc giục cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản chi tiền nhiều hơn cho mối quan hệ đối tác quân sự với Mỹ.

Tranh chấp quân sự giờ đã trở nên khó lường bởi chính quyền Trump không đầu tư đủ thời gian và không quan tâm nhiều tới việc "bảo dưỡng" khối đồng minh này như những người tiền nhiệm từng làm - Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Obama, nhận định.

"Tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra trong bất cứ thời điểm nào trong 20 năm qua. Nhưng lý do duy nhất mà nó đã không xảy ra là vì những người trong chính quyền Mỹ lúc bấy giờ đã bỏ ra nhiều thời gian và nguồn lực để cải thiện mối quan hệ đồng minh này" - ông Jackson nói.

Giới chuyên gia cho rằng, các địch thủ của Mỹ như Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí cả Nga có thể tận dụng rạn nứt trong khối liên minh mà Mỹ dẫn đầu. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh từ lâu đã luôn tìm cách làm xói mòn mối quan hệ giữa ba nước nhằm thúc đẩy các mục tiêu của mình.

"Đây là một điều kiện tốt lành cho các nước muốn thế lực của Mỹ ở châu Á biến mất và các khối đồng minh của họ suy yếu - đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên" - ông Denmark nhận định - "Cả hai nước này đều xem Mỹ như địch thủ chính và các khối đồng minh của Mỹ như trở ngại trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược. Vấn đề giữa các đồng minh của Mỹ - đặc biệt là những đồng minh quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc - được xem như một thách thức đối với chiến lược của Mỹ, và cũng là một biểu tượng cho thấy thế lực của Mỹ đang suy giảm ở châu Á".

Theo CNN