Triều Tiên sẽ tích cực thay đổi hay vẫn sẽ cứng rắn sau đại hội 7?

Phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vừa qua chưa đủ để các nước láng giềng Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế đặt lòng tin vào một sự chuyển biến thực sự, tuy nhiên, vẫn còn có chút hy vọng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên vừa bế mạc sau 4 ngày họp với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un được bầu làm Chủ tịch Đảng. 

Sự kiện này thu hút sự quan tâm của dư luận vì đây là đại hội đầu tiên của Đảng Lao động Triều Tiên sau 36 năm và được xem là dịp để nhà lãnh đạo Kim Jong-un tăng cường sự đoàn kết toàn dân, nâng cao vị thế và vai trò của Đảng Lao động Triều Tiên. 

Cộng đồng quốc tế hy vọng sau đại hội, Triều Tiên sẽ có những điều chỉnh tích cực trong các chính sách kinh tế và an ninh-quốc phòng, vì một khu vực hòa bình và phát triển.

Trong bài phát biểu dài 3 giờ tại đại hội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề cập nhiều chủ đề “nóng” như chiến lược phát triển kinh tế, năng lực hạt nhân, mối quan hệ liên Triều,… Đại hội đã thông qua chính sách phát triển kinh tế song song với phát triển hạt nhân, theo đó Triều Tiên sẽ theo đuổi đường lối chiến lược tập trung thúc đẩy kinh tế đồng thời với tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân “cả về lượng và chất”. Đây là điểm mới so với chính sách trước đây của Bình Nhưỡng chỉ tập trung vào phát triển quân sự (còn gọi là chính sách “tiên quân”). 

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành nhiều thay đổi nhân sự cấp cao của đảng và quân đội, thay đổi toàn bộ đội ngũ cán bộ ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài và trẻ hóa khung lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng. 

Tại đại hội lần này, Triều Tiên đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế 5 năm từ 2016-2020, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách là phải thực hiện đầy đủ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về mọi mặt, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Kế hoạch phát triển kinh tế đề cập nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó có cơ khí hóa nông nghiệp và tự động hóa các nhà máy, gia tăng sản lượng than đá,… 

Trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sau các vụ thử hạt nhân, kế hoạch thúc đẩy kinh tế nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc cải thiện nguồn cung cấp và phát triển năng lượng nội địa, trong đó có điện hạt nhân. 

Về phát triển quốc phòng và năng lượng hạt nhân, Triều Tiên khẳng định với tư cách là một quốc gia sở hữu hạt nhân có trách nhiệm, Triều Tiên sẽ nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền quốc gia bị xâm phạm trước bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác. 

Về mối quan hệ liên Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng vấn đề cấp bách là phải cải thiện quan hệ hai miền, hai bên cần tôn trọng lẫn nhau và cùng thúc đẩy đối thoại nhằm mở ra một chương mới cho việc cải thiện quan hệ giữa hai miền, vì sự thịnh vượng chung và mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước. Ông cũng kêu gọi Hàn Quốc giảm tâm lý đối đầu cũng như có các bước thiết thực để tạo thuận lợi cho sự phát triển các mối quan hệ. 

Có thể nói chương trình phát triển vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên là một trong những vấn đề trọng tâm thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua có những bước leo thang nguy hiểm với việc Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, trong khi Liên hợp quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt. 

Đến nay, Liên hợp quốc đã thông qua tổng cộng 5 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên và Nghị quyết 2270 mới đây được cho là “nghiêm khắc nhất trong lịch sử”. Trong bối cảnh đó, các nỗ lực nhằm nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm gián đoạn vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển. Vì thế, cộng đồng quốc tế cho rằng Đại hội lần này của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ “giải mã” phần nào chính sách hạt nhân trong tương lai của Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, đường lối phát triển hạt nhân và đề xuất đối thoại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tại Đại hội khiến các nước nghi ngờ. Hàn Quốc cho rằng đề xuất đó thiếu thiện chí và đó chỉ là cách để biện minh cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vốn được coi là một thành tựu lớn của Bình Nhưỡng. 

Năm 2003, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và kể từ đó, Bình Nhưỡng chưa bao giờ có dấu hiệu thực sự muốn từ bỏ các chương trình hạt nhân gây tranh cãi. 

Triều Tiên từng 3 lần thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013 và gần đây nhất là thử bom nhiệt hạch vào tháng 1/2016. Truyền thông phương Tây thậm chí còn cho biết những chuyển động quan sát được thời gian gần đây tại địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên cho thấy nước này đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 5. 

Giới phân tích quốc tế cho rằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vừa qua chưa đủ để các nước láng giềng Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế đặt lòng tin vào một sự chuyển biến thực sự của Bình Nhưỡng liên quan đến chính sách hạt nhân của nước này. Vì thế, Triều Tiên cần cho thấy những nỗ lực thực sự để loại bỏ mối quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua những hành động cụ thể. 

Các bên liên quan cũng cần có những bước đi mạnh mẽ nhằm sớm nối lại đàm phán sáu bên, xây dựng lòng tin chiến lược và có những sự nhượng bộ cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, góp phần vào hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới.

Theo Vietnamplus