Triều Tiên phóng liên tiếp 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Nhật Bản

VietTimes -- Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên được cho là vừa thực hiện vụ thử nghiệm tên lửa mới, sau khi phóng 2 vật thể về vùng biển phía Đông của họ và rơi xuống biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng thứ tư chỉ trong vòng một tháng.
Một tên lửa mà Triều Tiên phóng thử nghiệm vào ngày 22/3 (Ảnh: KCNA)
Một tên lửa mà Triều Tiên phóng thử nghiệm vào ngày 22/3 (Ảnh: KCNA)

Các tên lửa trên được Bình Nhưỡng phóng vào khoảng 6h10 sáng ngày 29/3 (giờ địa phương) và bay được khoảng 230 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quóc cho hay.

Các vật thể được cho là rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, theo lực lượng cảnh sát biển nước này.

Phía quân đội Hàn Quốc đã gọi vụ phóng trên là một “hành động rất không phù hợp” trong bối cảnh mà cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi “ngừng ngay lập tức” các hành động tương tự.

Bình Nhưỡng hiện vẫn chưa báo cáo một ca nhiễm COVID-19 nào, trong khi số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá 663.000, trong đó có gần 10.000 ca nhiêm ở nước láng giềng Hàn Quốc và 82.000 ca nhiễm ở Trung Quốc.

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới của họ với tất cá du khách nước ngoài kể từ tháng 1 năm nay, trong lúc virus corona chủng mới mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc.

Triều Tiên thời gian qua đã tăng cường các hoạt động thử nghiệm tên lửa, phóng đi hàng loạt vật thể trong đó có một vụ vào ngày 21/3, với 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn bay được khoảng cách 410 km. Nước này cũng phóng 2 tên lửa tầm ngắn vào ngày 2/3 và 3 tên lửa khác vào ngày 9/3.

Với hàng loạt vụ phóng trong tháng này cũng trùng với thời điểm mà Triều Tiên tổ chức diễn tập quân sự, nước này đã nối lại hoạt động tên lửa vốn đã tạm ngừng được hơn 3 tháng.

Việc Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm tên lửa trở lại xuất hiện 2 tháng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo Washington hồi tháng 12/2019 rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ hạt nhân và sẽ tiếp tục tăng cường chế tạo trừ khi Mỹ chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều cũng rơi vào thế bế tắc sau khi Mỹ quyết định không gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt với Triều Tiên, hơn nữa còn yêu cầu Bình Nhưỡng phải giải giáp hạt nhân toàn diện trước.