Triều Tiên: Đích đàm phán hạt nhân kế tiếp (P2)

10 năm trước, Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân trên danh nghĩa, nhưng ngày nay đang tiến sát đến rìa của sự khác biệt nguy hiểm đó và rất có thể đã bước qua ranh giới này để gia nhập nhóm các nước có thể triển khai vũ khí hạt nhân.
Một số loại tên lửa của Triều Tiên.
Một số loại tên lửa của Triều Tiên.

HÃY THÔI LÀ "KẺ BỀ TRÊN"

Thứ hai, Triều Tiên đã có sẵn trong tay vũ khí hạt nhân, do đó chúng ta hầu như không thể làm gì ngoài việc thuyết phục họ phi hạt nhân hóa. Quan điểm này cũng sai. Bởi, tình hình có thể sẽ không khả quan hơn nhưng chắc chắn sẽ xấu đi rất nhiều. Có một sự khác biệt lớn giữa việc sở hữu trên danh nghĩa vũ khí hạt nhân và việc trên thực tế có khả năng sử dụng loại vũ khí này để đe dọa Mỹ và các đồng minh. 10 năm trước, Triều Tiên chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân trên danh nghĩa, nhưng ngày nay đang tiến sát đến rìa của sự khác biệt nguy hiểm đó và rất có thể đã bước qua ranh giới này để gia nhập nhóm các nước có thể triển khai vũ khí hạt nhân.

Một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân sẽ trở nên "vô dụng" nếu quốc gia sở hữu không có phương tiện phóng chúng đến một mục tiêu. Trong thập kỷ qua, Triều Tiên đã phát triển một kho tên lửa đạn đạo (trong đó có lẽ bao gồm cả một tên lửa đạn đạo liên lục địa - ICBM - có thể bắn tới nước Mỹ). Và theo tuyên bố của Đô đốc Gortney thì hiện nay, Bình Nhưỡng nhiều khả năng đã sở hữu một đầu đạn đủ nhỏ để gắn vào những tên lửa này. Điều này có nghĩa là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày nay nguy hiểm hơn đáng kể so với cách đây 5 hay 10 năm trước.

Tuy nhiên, hy vọng chưa phải là đã tắt. Triều Tiên vẫn chưa tiến hành thử nghiệm đầy đủ tên lửa ICBM của nước này hay đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Trước khi làm điều đó, ngay cả nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng không biết liệu các vũ khí này có thực sự hoạt động hay không. Thử nghiệm là một bước đi quan trọng trong tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân, bởi vậy ngăn chặn Triều Tiên đạt tiến bộ trong chương trình này vào thời điểm hiện tại sẽ vẫn là một thành công đáng kể đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trái lại, nếu không thể hạn chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, chương trình này trở nên nguy hiểm hơn gấp bội trong những năm tới.

Tên lửa Triều Tiên phóng tháng 4/2012 và bãi phóng ở Dongchang-ri, huyện Cholsan.

Thứ ba, quan điểm Triều Tiên về cơ bản không đáng tin cậy và tất cả những thỏa thuận trước đây đã thất bại, nên tiếp tục cố gắng cũng chẳng để làm gì hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều phá vỡ những thỏa thuận trước đó. Nên có thể nói mức độ không đáng tin cậy của Bình Nhưỡng cũng không lớn hơn Washington. Đúng là Triều Tiên đã "giết chết" “thỏa thuận ngày nhuận” 2012, nhưng chính Mỹ cũng đã "đánh đắm" Hiệp định khung năm 1994. Mục đích của hiệp định này là Triều Tiên đóng cửa và thay thế chương trình nhà máy điện hạt nhân của nước này bằng các nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng nước nhẹ mà Mỹ và phương Tây sẽ giúp Bình Nhưỡng xây dựng, cũng như từng bước bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.

Quan chức chính quyền Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) khi đó là John Bolton đã thừa nhận rằng chương trình máy li tâm của Triều Tiên, mặc dù đáng lo ngại nhưng không vi phạm thỏa thuận 1994, "chính là quả búa tạ mà tôi đang tìm kiếm để làm tiêu tan Hiệp định khung này". Sau khi phát hiện chương trình máy ly tâm năm 2002, Mỹ đã nhanh chóng đình chỉ các nghĩa vụ của mình được quy định trong bản thỏa thuận.

Một chuỗi các sự kiện này khiến nhiều người đi đến kết luận rằng Hiệp định khung đã thất bại và kể từ đó nó được lấy làm ví dụ để minh chứng cho sự phù phiếm của những nỗ lực ngoại giao hạt nhân. Dẫu vậy, Hiệp định khung 1994 đã kìm hãm thành công chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong 8 năm và chỉ sau khi Mỹ hủy bỏ thỏa thuận này thì Triều Tiên mới rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và phát triển vũ khí hạt nhân. Vậy thì, Hiệp định khung là thành công, hay chính quyết định của chính quyền Bush rút khỏi thỏa thuận này là một thất bại?

Theo Robert Galluci, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ khi đó, nếu Hiệp định khung không làm trì hoãn các tiến bộ của Triều Tiên trong ngần đấy năm thì nước này hiện đã sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn nhiều. Như vậy có thể nói, trong một thế giới nơi các thực tế địa chính trị có thể thay đổi nhanh chóng và khôn lường, đặc biệt sau sự sụp đổ của Liên Xô, thì việc làm trì hoãn một quá trình cho đến khi tình hình được cải thiện có thể sẽ là một chiến lược hợp lý hoàn hảo.

Đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong trạng thái hiện tại hiển nhiên sẽ có lợi hơn so với việc cho phép chương trình này tiếp tục phát triển một cách không kiểm soát. Kết quả của cuộc đàm phán hạt nhân Iran vừa qua có thể là chỉ dấu cho thấy chính quyền Washington sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao với Bình Nhưỡng. Mỹ không thể tiếp tục giữ thế của "kẻ bề trên". Việc từ chối tái can dự ngoại giao với Triều Tiên sẽ là một cú giáng nghiêm trọng vào các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Huy Lê theo Báo Tin Tức