Triều Tiên có sẵn sàng vào trận chiến thực sự với Mỹ?

'Triều Tiên muốn đảm bảo cho mình một cơ hội để giáng đòn tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ', Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố tại cuộc họp báo ở Tokyo, khi bình luận về việc Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.
Triều Tiên có sẵn sàng vào trận chiến thực sự với Mỹ?

Theo ông này, nếu Triều Tiên sẽ có thể tăng tầm xa tên lửa đạn đạo và chế tạo được ngòi nổ mini hiệu quả cho đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn, thì Triều Tiên sẽ có thể có cách đạt được mục tiêu của mình.

Bình Nhưỡng đã chọn cho mình chiến lược xây dựng tiềm năng tên lửa hạt nhân để buộc Mỹ phải đàm phán và có được một số thỏa hiệp. Vì vậy, họ sẽ gửi tín hiệu để thế giới biết rằng Triều Tiên có khả năng tự vệ trong trường hợp bị tấn công, và gây sức ép đối với nước này là điều vô ích. Tuy nhiên, chính sách này có một nguy cơ lớn đối với bản thân CHDCND Triều Tiên. 

Ông Georgy Toloraia, nhà nghiên cứu Triều Tiên, vừa từ Hoa Kỳ trở về Nga sau khi tham gia hội thảo về tên lửa và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cho biết: "Mối nguy hiểm đó là người Mỹ có thể giáng đòn tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong khi nước này chưa có khả năng thực sự để tấn công Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho thấy rằng chiến thuật tống tiền bằng tên lửa mà Triều Tiên lựa chọn có những ảnh hưởng nhất định.

Thực tế là người Mỹ rất lo ngại nếu nước nào đó trên thế giới có khả năng công nghệ để tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ. Và Triều Tiên rõ ràng là đang gây áp lực lên chỗ "nhạy cảm nhất" để buộc Hoa Kỳ phải tiến hành một số biện pháp. Mà theo cách hiểu của các đại diện Triều Tiên, những biện pháp đó là thương lượng và thỏa hiệp. Ở một mức độ nào đó, điều này đã có tác dụng, kể từ đầu năm đến nay người Mỹ lặng lẽ tìm cách bắt đầu cuộc đối thoại với Triều Tiên. Và thậm chí họ không đặt ra các điều kiện tiên quyết về phi hạt nhân hóa như trước đây".

Đối với các hành động khiêu khích mà Triều Tiên có thể tiến hành dưới sự che chở của lá chắn hạt nhân, thì đó là câu chuyện kinh dị dành cho dân chúng và các chính trị gia. Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã quan tâm nhiều hơn với công tác tuyên truyền. Và các cuộc tập trận, bắn thử, phóng tên lửa của họ đa phần chỉ mang tính PR. Về phía Triều Tiên, không hề có những hành động thực tế gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh. Nhưng không thể nói như vậy về các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc để phối hợp hành động nhằm tấn công các cơ sở CHDCND Triều Tiên, tập nhảy dù đổ bộ để tiêu diệt ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên nghiêm trọng hơn nhiều đối với sự ổn định khu vực so với các động thái mang tính tuyên truyền phô trương từ phía Bình Nhưỡng, ông George Toloraia kết luận.

Theo Sputnik