Triệt đường nhập lậu, giá tăng, đường nội vẫn khó bán

Giá đường tăng khoảng 100 đồng/kg và  khả năng còn tăng lên sau khi Bộ Công an cuối tuần qua triệt phá một đường dây buôn lậu đường quy mô lớn. Giá đường trên thị trường trong tuần đầu tiên của tháng 2-2015 dao động trong khoảng 11.300 -11.850 đồng/kg.
Các đầu mối phân phối đường đã không còn bán đường lậu từ Thái Lan và giá đường đã tăng lên thêm 100 đồng/kg.
Các đầu mối phân phối đường đã không còn bán đường lậu từ Thái Lan và giá đường đã tăng lên thêm 100 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sở dĩ giá đường trên thị trường tăng là do ảnh hưởng của thông tin ngày 7-2, Bộ Công an vừa bắt tạm giam vì hành vi buôn lậu đường đối với ông Vi Ngươn Thạnh tại An Giang.

 Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho biết theo khảo sát của hiệp hội, hai ngày hôm nay, tại TPHCM, các đầu mối phân phối đường đã không còn bán đường lậu từ Thái Lan và giá đường đã tăng lên thêm 100 đồng/kg.

 Theo ông Hải, trên thực tế, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường nhập lậu từ Thái Lan mà chỉ có những cơ sở phân phối biết và cơ quan quản lý thị trường biết. Do tác động từ vụ triệt phá buôn lậu, những cơ sở kinh doanh đường để đảm bảo an toàn cho mình không còn bán đường lậu nữa.

Cùng quan điểm đó, theo giám đốc một nhà máy đường, việc bắt giữ một trong những “ông trùm” buôn lậu đường ở phía Nam trước mắt sẽ đánh động đến những đầu mối buôn lậu khác và để tránh bị liên lụy những đầu mối buôn lậu này sẽ tạm ngưng hoạt động buôn lậu đường qua biên giới Tây Nam thêm một thời gian.

 Theo vị này, thường các đầu mối buôn lậu đường và các cơ sở kinh doanh đường ở phía Nam có mối quan hệ làm ăn lâu năm và trong thời gian này, hai bên sẽ tạm ngưng làm ăn với nhau. Tuy nhiên, các nhà máy đường khó mà chiếm lĩnh thêm được thị phần ví rất khó thiết lập quan hệ làm ăn với những hệ thống phân phối này.

 Bên cạnh đó, hiện các siêu thị, hệ thống phân phối đã chuẩn bị xong lượng đường để bán lẻ cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2015, nên thông tin trùm buôn lậu bị bắt ở An Giang chỉ có tác động rất hạn chế trong việc giúp các nhà máy đường tăng lượng bán ra trong dịp tết này.

 “Để mua đường chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, các công ty phân phối đã làm việc với các nhà máy mía đường từ nhiều tháng trước và thường một hai tháng trước tết, các công ty đã ấn định xong lượng đường phải mua nên lúc này họ không còn mua nữa,” ông nói.

 Theo VSSA, hiện mỗi năm có khoảng 400.000 -500.000 tấn đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam.

 VSSA cho biết, tính đến ngày 30-1, lượng đường tồn kho tại các nhà máy, công ty thương mại thuộc hiệp hội là gần 282.000 tấn.

                                                                    Theo TBKTSB