Triển vọng u ám của kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế trong tháng 4, các ngân hàng đầu tư đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nước này.

Theo CNBC, hôm 18/5, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc xuống 4%, sau khi các dữ liệu chính thức trong tháng 4 chỉ ra tăng trưởng giảm tốc vì những hạn chế liên quan đến Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh.

Dự báo của ngân hàng đầu tư Phố Wall thấp hơn mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% của chính quyền Bắc Kinh.

"Với những thiệt hại kinh tế trong quý II/2022 do Covid-19, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 4% trong năm nay, giảm từ mức 4,5% như dự báo trước đó", đội ngũ chuyên gia tại Goldman Sachs khẳng định.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã chật vật kiểm soát làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Reuters.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã chật vật kiểm soát làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Reuters.

Những con số yếu kém

Dự báo được đưa ra với giả định rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp những hỗ trợ đáng kể, ngoài các biện pháp ổn định thị trường bất động sản và kiểm soát dịch bệnh.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã chật vật kiểm soát làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất trong vòng 2 năm qua.

Thượng Hải - trung tâm tài chính, nơi có cảng biển bận rộn nhất thế giới - chỉ mới lên kế hoạch nới lỏng sau nhiều tuần phong tỏa gắt gao.

Hôm 16/5, các quan chức Thượng Hải công bố kế hoạch 3 giai đoạn để "trở lại trạng thái bình thường mới" vào giữa tháng 6. Một ngày sau đó, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải tuyên bố toàn bộ 16 quận của Thượng Hải đã đạt mục tiêu không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs chỉ ra sự sụt giảm mạnh về doanh số bán nhà và mức giảm dưới 1% đối với tăng trưởng giá tiêu dùng.

Doanh số bán nhà sụt giảm với tốc độ 2 chữ số mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.
Doanh số bán nhà sụt giảm với tốc độ 2 chữ số mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế Trung Quốc là chi tiêu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tại Thượng Hải, lệnh phong tỏa khiến doanh số bán xe tháng 4 bằng 0.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, sau khi tăng 5% vào tháng 3. Sản lượng trong lĩnh vực ôtô giảm 43,5% bởi các đợt bùng dịch ở Thượng Hải và những vùng lân cận.

Tăng trưởng hàng năm của đầu tư tài sản cố định, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã giảm từ 9,3% vào quý I/2022 xuống 6,8% trong 4 tháng đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong vòng 2 năm. Con số này phơi bày cái giá ngày một lớn mà Bắc Kinh phải trả để theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.

Đồng loạt cắt giảm dự báo

Ông Fu Linghui - quan chức tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - thừa nhận rằng các thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt nằm ngoài dự đoán. Nhưng ông khẳng định những khó khăn chỉ là tạm thời.

"Các con số yếu kém cho thấy sự mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc và chính sách Zero-Covid, vốn là cốt lõi cho triển vọng tăng trưởng của nước này", các nhà phân tích của Goldman Sachs bình luận.

Hôm 16/5, Citigroup cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II và cả năm xuống lần lượt 1,7% và 4,2%, giảm từ mức 4,7% và 5,1% trước đó.

Vài ngày trước đó, JPMorgan đã giảm dự báo từ 4,6% xuống 4,3%. Vào cuối tháng 4, Morgan Stanley cũng cắt giảm mục tiêu 0,4 điểm phần trăm xuống 4,2%.

Các con số yếu kém cho thấy sự mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc và chính sách Zero-Covid, vốn là cốt lõi cho triển vọng tăng trưởng của nước này

Các nhà phân tích của Goldman Sachs

Theo ông Zhaopeng Xing - chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư ANZ, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với hai thách thức. Đó là dư địa nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp và tâm lý kinh doanh, tiêu dùng xấu đi.

Theo ông, Trung Quốc khó trở lại đà phục hồi nhanh như sau đợt phong tỏa hồi năm 2020, bởi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn.

Còn theo nhà kinh tế cấp cao Betty Wang và chiến lược gia cấp cao Zhaopeng Xing của ANZ Research, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%, Trung Quốc có thể phải gánh thêm nợ.

Việc vay nợ nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng sẽ là một bước lùi với Bắc Kinh. Trước khi đại dịch bùng phát, nước này đang tìm cách cắt giảm bom nợ vốn đã phình to.

Chính phủ Trung Quốc đã nhắm vào lĩnh vực bất động sản bằng cách đưa ra "3 lằn ranh đỏ". Những quy định này nhằm hạ đòn bẩy trong một ngành công nghiệp đã phát triển quá nóng.

Nhưng điều đó đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ vào cuối năm ngoái, sau khi China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - và các công ty khác bắt đầu vỡ nợ.

Giờ, Bắc Kinh cũng đã tìm cách hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nhưng giới quan sát cho rằng các biện pháp hỗ trợ có thể không phát huy nhiều tác dụng.

Theo Zing