Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực điện tử trên mọi lĩnh vực và không điểm dừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc triển khai Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư, xác thực điên tử, sẽ góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng số và hạ tầng xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Đoàn công tác thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Đoàn công tác thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi tại buổi kiểm tra và làm việc mới đây với tỉnh Thái Nguyên về tình hình triển khai Đề án số 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc triển khai Đề án 06 sẽ góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng số và hạ tầng xã hội, đồng thời phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Với mục tiêu lớn, Đề án sẽ được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, không điểm dừng và hướng đến nhu cầu thực tế của người dân cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác làm việc tại phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác làm việc tại phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, cách làm đồng bộ, sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, với vai trò là địa phương làm điểm của toàn quốc, tỉnh Thái Nguyên cần chủ động, linh hoạt đi trước trong cách thức triển khai, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các địa phương khác trong cả nước. Tỉnh cũng cần tiếp tục chỉ đạo, tăng cường tính phối hợp giữa các sở, ngành để giải quyết khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, tính liên thông, kết nối đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân...

Trao đổi với Phó Thủ tướng và đoàn làm việc, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh uỷ - nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06 trong bối cảnh Thái Nguyên đang chủ động, tích cực đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số và đạt kết quả cao trên cả 3 trụ cột. Bà Hải khẳng định tỉnh sẽ quyết tâm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn đảm bảo nội dung, hiệu quả và đúng tiến độ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải trao đổi tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải trao đổi tại buổi làm việc.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung cụ thể hoá các nhiệm vụ gắn với các mục tiêu cụ thể và chỉ đạo xây dựng hệ thống dữ liệu một cách minh bạch, vừa bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu dùng chung, qua đó phục vụ đắc lực vào các nhiệm vụ phát triển của tỉnh.

Theo báo cáo, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án tại cả 9 đơn vị cấp huyện, cả 178 đơn vị cấp xã, trên 2.200 Tổ công tác tại các tổ, thôn, xóm. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp, quản lý Căn cước công dân đã được triển khai trên địa bàn tỉnh đảm bảo năng lực sẵn sàng tích hợp với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của ngành Công an và các ngành liên quan thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án cơ bản được đảm bảo đúng tiến độ. Cụ thể, đến tháng 7/2022, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận và giải quyết trên 18.500 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; đã cấp được gần 50.500 tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn; cấp trên 974.000 Căn cước công dân gắn chip, đạt 93,72%. Việc “Xây dựng Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính” đã được triển khai và hoàn thiện.

Tỉnh đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu sổ sức khỏe điện tử - Bộ Y tế. Hiện nay, đang tập trung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu thuế, Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội,… để từng bước hình thành hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư.

Cũng theo báo cáo của tỉnh, hiện đang tồn tại một số khó khăn trong quá trình triển khai, như: Hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định, hạ tầng thông tin chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Đặc biệt, một bộ phận công dân không sử dụng SIM điện thoại chính chủ và không sử dụng điện thoại thông minh, gây ra trở ngại trong việc công dân tiếp cận dịch vụ công./.