Trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện và tạo ra các tin giả như thế nào?

VietTimes -- Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là công nghệ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Và Facebook đang nghiên cứu khả năng sử dụng AI để loại bỏ các tin sai, tin xấu trên ứng dụng của họ. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ còn rất dài, và đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Facebook sẽ sử dụng AI để phát hiện và loại bỏ các thông tin sai sự thật trên ứng dụng của mình (Ảnh Reuters)
Facebook sẽ sử dụng AI để phát hiện và loại bỏ các thông tin sai sự thật trên ứng dụng của mình (Ảnh Reuters)

Khi trả lời trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Mark Zuckerberg đã nói rằng Facebook sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các tin sai sự thật được đăng trên mạng xã hội này, nhưng không nói cụ thể họ sẽ thực hiện như thế nào. Căn cứ vào việc sử dụng các phân tích hình ảnh và video, nhiều người cho rằng Facebook cần hết sức thận trọng. Tuy vẫn còn một số điểm yếu cơ bản, nhưng AI rất có thể là một công cụ hữu hiệu để tập trung cho các chiến dịch tuyên truyền trực tuyến – nhưng nó cũng có thể rất dễ tạo ra các thông tin sai lạc.

Các nhà nghiên cứu đã biết rằng các thông tin sai sự thật lan tràn trên mạng nhanh hơn và rộng hơn rất nhiều so với các tin đúng. Nghiên cứu của một phóng viên thuộc tờ IBTimes cũng cho thấy các dòng đăng trực tuyến kèm các thông tin về y tế sai sự thật nhận được nhiều view (lượt xem), bình luận và like (thích) hơn với các thông tin kèm các nội dung chính xác. Trong một thế giới trực tuyến, người xem thường không có sự tập trung nhất định vào các thông tin, và bão hòa với rất nhiều lựa chọn nội dung thông tin, rõ ràng các thông tin sai có sức hấp dẫn và lôi cuốn hơn với người xem. Vấn đề càng trở nên tồi tệ: đến năm 2022, người dân ở các nền kinh tế phát triển sẽ còn phải tiếp cận với nhiều tin sai hơn là các tin đúng. Điều này được các nhà nghiên cứu vấn đề đó gọi là “sự nhiễu loạn thực tế” – trong đó các máy tính có thể tạo ra các thông tin thu hút người dùng mà họ rất khó đoán định xem thông tin đó có đúng sự thật không.

Loại bỏ các thông tin sai

Các thuật toán máy học là một dạng AI, trong nhiều thập kỷ qua đã thành công trong việc loại bỏ các thư điện tử spam, bằng cách phân tích các nội dung thư và xác định xem đó có phải là một thư được gửi từ một người thực tế - hay đó là một dạng thư được gửi cho nhiều người.

Được xây dựng trên cơ sở phân tích thông tin nhằm loại bỏ thư rác, các hệ thống AI có thể đánh giá xem nội dung bài đăng, hay tiêu đề như thế nào, bằng cách so sánh nội dung thực tế của bài viết mà người dùng đang chia sẻ trên mạng. Một phương pháp khác có thể đánh giá các bài viết tương tự để xem các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng khác có khác với với thực tế không. Các hệ thống tương tự cũng có thể xác định các tài khoản cụ thể và các trang web nguồn lan truyền các thông tin sai.

Một tấm bảng đề “fake news” (tin sai) được vẽ trong bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc mít tinh mang tên Make America Great Again ở Washington, ngày 29/4/2018 (Ảnh Reuters)

Sử dụng AI để tạo ra các tin sai

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc sử dụng AI để phát hiện các tin sai là chính điều này sẽ đặt công nghệ vào một cuộc chạy đua vũ trang với chính nó. Các hệ thống công nghệ máy học đã chứng tỏ khả năng tạo ra rất nhiều cái được gọi là “tin bịa đặt” – các hình ảnh và video mà thực tế là được thay khuôn mặt người này bằng người khác để đặt họ vào một tình huống mà họ chưa bao giờ tham gia. Ví dụ như một diễn viên nổi tiếng được chụp ảnh trong một tư thế rõ ràng hay một nhân vật của công chúng nào đó được bịa đặt gán ghép nói những thứ mà anh ta chưa bao giờ nói. Thậm chí các ứng dụng trên smartphone cũng có khả năng thực hiện những sự thay thế hoán đổi này – chính điều này làm cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công nghệ tạo thông tin sai lệch, thậm chí là họ chẳng cần phải có các kỹ năng điều chỉnh video như các chuyên gia ở Hollywood.

Các nhà nghiên cứu hiện nay đang chuẩn bị sử dụng AI để xác định các tin sai do AI tạo ra. Ví dụ, các kỹ năng phóng đại video có thể phát hiện được những thay đổi trong mạch người giúp xác định xem người đó trong video là thật hay do máy tính tạo ra. Cả người tạo tin giả và người phát hiện tin giả đều sẽ ngày càng tinh xảo hơn. Một số tin giả có thể trở nên phức tạp đến mức rất khó phát hiện hay bị xóa bỏ - không giống như những tin giả trước đây, chỉ sử dụng ngôn từ đơn giản và các tuyên bố rất dễ bị bắt bẻ.

Trí tuệ con người vẫn là chìa khóa thực sự

Cách tốt nhất để đấu tranh với nạn lan truyền tin giả trên mạng vẫn là phải dựa vào con người. Những hậu quả do tin giả gây ra – làm phân cực chính trị lớn hơn, chia bè phái ngày càng sâu sắc, và làm suy giảm lòng tin của người dùng trên phương tiện thông tin đại chúng và cả chính quyền – là rất lớn. Nếu như ngày càng nhiều người dùng biết được những hậu quả đó lớn thế nào, họ sẽ ngày càng thận trọng hơn với các thông tin mình nhận được. Các thông tin sẽ ngày càng tập trung đánh vào tâm lý cảm xúc của con người, bởi đây là phương thức hiệu quả để thu hút sự chú ý của người dùng. 

Khi thấy một dòng đăng giật gân, người dùng tốt hơn hết là phải xem thông tin đó đúng hay không, chứ chưa phải là chia sẻ nó với người khác ngay lập tức. Từ đó thao tác chia sẻ của họ cũng sẽ thêm độ tin cậy cho một dòng đăng: khi người khác nhìn thấy dòng đăng, họ đăng nhập rằng dòng đăng đó được một người mà họ biết chia sẻ và ít nhất là có độ tin cậy nhất định, và ít làm cho họ phải đặt ra câu hỏi nguồn tin gốc có đáng tin cậy không.

Các trang mạng truyền thông xã hội như YouTube và Facebook có thể tự nguyện quyết định đánh dấu các nội dung bài đăng trên trang của họ, chỉ rõ xem bài đăng nào mang nội dung đã được một nguồn tin tin cậy xác nhận. Ông Zuckerberg đã trả lời trước Quốc hội Mỹ rằng ông muốn huy động cả “cộng đồng” người dùng Facebook hướng chú ý trực tiếp vào các thuật toán của tập đoàn này. Facebook sẽ để cả cộng đồng thực hiện các nỗ lực xác nhận trên. Wikipedia cũng đang đặt ra một mô hình sử dụng các tình nguyện viên được lựa chọn để theo dõi và xác nhận độ tin cậy của các thông tin.

Facebook sẽ sử dụng mối quan hệ đối tác của họ với các tổ chức thông tin và các tình nguyện viên để đào tạo về AI, liên tục điều chỉnh hệ thống nhằm đối phó lại với những thay đổi của những nhà tuyên truyền theo chủ đề và chiến thuật. Điều này không phải là sẽ theo dõi mọi tin tức được đăng trên mạng, mà là làm cho phần lớn người dùng dễ dàng hơn trong việc tìm được thông tin thật. Điều này cũng làm giảm các khả năng làm lan tràn những câu chuyện hư cấu và nhồi sọ trên mạng.

Từ đó, những người được tiếp cập với các thông tin chính xác sẽ có điều kiện tốt hơn để phân biệt giữa tin sai và tin đúng. Chìa khóa ở đây là phải đảm bảo chắc chắn rằng ít nhất có một số người lên mạng là thực và đưa ra thông tin chính xác.