Tránh "vết xe đổ" của gói vay bất động sản 30.000 tỉ đồng

Không dưới hai lần trong năm nay, lời hứa “sẽ có gói vay khác” dành cho thị trường bất động sản sau gói 30.000 tỉ đồng được lãnh đạo Bộ Xây dựng nhắc đến. Song ở thời điểm hiện tại, có thêm gói vay khác chưa phải là quan trọng nhất.
Khách hàng đang tìm hiểu thủ tục để vay gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Mạnh Tùng
Khách hàng đang tìm hiểu thủ tục để vay gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Mạnh Tùng

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội giữa tuần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, khi giải ngân hết gói 30.000 tỉ đồng sẽ có gói vay khác với lãi suất thấp cho nhà ở xã hội.

Chi tiết về gói vay này chưa được Bộ Xây dựng công bố, chỉ dừng lại ở việc tuyên bố sẽ có gói vay khác vì theo quy định của Luật Nhà ở, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Còn nhớ, cuối tháng 1-2015, tại một hội thảo ở TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, khi đó đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng tiết lộ, thị trường sắp đón nhận gói vay 50.000 tỉ đồng dành cho người mua nhà ở thương mại với lãi suất ưu đãi.

Trước đó, hồi tháng 9-2014, dư luận cũng một phen “mừng hụt” khi một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho biết sắp có một gói cho khách hàng vay mua nhà ở thương mại, với giá trị cho vay lên đến 2 tỉ đồng mỗi khách hàng, nhưng chờ mãi chưa thấy đâu.

Bên cạnh đó, những phát biểu  về gói tín dụng hàng nghìn tỉ đồng thi thoảng cũng được lãnh đạo Bộ Xây dựng nhắc đến trong các hội thảo về bất động sản. Tuy nhiên, chưa rõ, các gói tín dụng mà các vị lãnh đạo trên phát biểu có “trùng” với nhau hay đó là các gói riêng biệt.

Quay trở lại với gói vay 30.000 tỉ đồng. Đây là gói tín dụng được đưa ra thị trường theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ, sẽ chính thức hết hạn giải ngân vào tháng 6-2016. 

Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, gói này đã giải ngân được hơn 10.000 tỉ đồng, tức khoảng một phần ba – một con số được giới chuyên gia bất động sản đánh giá là quá chậm, không đạt như kỳ vọng. Người khắt khe hơn thì nhận định: Gói 30.000 tỉ đồng đã thất bại!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tốc độ giải ngân chậm chạp của gói 30.000 tỉ đồng, như điều kiện cho vay khắt khe; thủ tục giải ngân nhiêu khê, chồng chéo; các quy định cho vay của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước “đá” nhau…

Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên được chính lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ còn hạn chế.

Nhìn tổng quát, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP, một văn bản pháp lý cho sự ra đời của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, nhưng chưa chuẩn bị tốt để triển khai nó.

Điều này khiến Bộ Xây dựng rơi vào thế “vừa làm, vừa gỡ” trong suốt hơn hai năm giải ngân gói tín dụng này, như mở rộng đối tượng cho vay, không yêu cầu chứng minh thu nhập, nới các điều kiện chia nhỏ căn hộ để tạo nguồn nhà ở phù hợp với gói này… 

Chưa kể, trong quá trình giải ngân gói tín dụng này còn xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp lách luật để trục lợi, khiến ngân hàng giải ngân không đúng đối tượng.

Nếu được làm lại ở gói 30.000 tỉ đồng, có lẽ Bộ Xây dựng nên cải thiện tốt hai vấn đề mấu chốt: pháp lý cho vay chặt chẽ hơn và tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với gói này hơn. 

Công bằng mà nói, đến nay, gói tín dụng này cũng đang giúp được ít nhất 20.000 hộ gia đình, cá nhân có tiền mua nhà - dẫu chỉ là con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Người dân sẽ hoan nghênh nếu có một gói tín dụng ưu đãi dành cho bất động sản vì họ sẽ có thêm cơ hội mua nhà. Chỉ mong rằng, nếu sắp đưa ra một gói tín dụng mới, Bộ Xây dựng và các cơ quan khác sẽ chuẩn bị tốt hơn để không đi lại "vết xe đổ" của gói 30.000 tỉ đồng.

Theo TBKTSG