Tranh chấp Trung - Ấn: Chỉ huy quân đội hai bên nối lại đàm phán giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức ép

VietTimes – Tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục căng thẳng; quân đội hai bên vẫn đối đầu nhau ở khu vực Ladakh. Để phá vỡ bế tắc, các nhà lãnh đạo của hai quân đội sẽ gặp lại nhau vào ngày 6/6, trong khi truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội tổ chức tập trận và đưa thêm nhiều vũ khí trang bị tới Tây Tạng.
Trung Quốc đưa nhiều máy bay quân sự tới căn cứ không quân tuyến trước cách khu vực tranh chấp chỉ 200km (Ảnh: weibo/Đa Chiều).
Trung Quốc đưa nhiều máy bay quân sự tới căn cứ không quân tuyến trước cách khu vực tranh chấp chỉ 200km (Ảnh: weibo/Đa Chiều).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 2/6 khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Ấn Độ News 18 đã nói "một số lượng đáng kể" quân đội Trung Quốc đã tiến vào khu vực phía đông Ladakh và Ấn Độ đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đối phó với tình hình này.

Ông nói: "Quân đội Trung Quốc đóng ở biên giới. Đó là sự thật. Họ nói đó là lãnh thổ của họ. Chúng ta đã nói rằng đây là địa bàn của chúng ta. Có sự bất đồng trong vấn đề này”.

Rajnath Singh cũng tiết lộ, các nhà lãnh đạo quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 6/6 tới để đàm phán nhằm giải quyết cuộc đối đầu ở Ladakh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (giữa) tiết lộ, các nhà lãnh đạo quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 6/6 tới để đàm phán nhằm giải quyết cuộc đối đầu ở Ladakh (Ảnh: AP).
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (giữa) tiết lộ, các nhà lãnh đạo quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 6/6 tới để đàm phán nhằm giải quyết cuộc đối đầu ở Ladakh (Ảnh: AP).

Vị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng nói: "Cuộc tranh chấp Doklam (năm 2017) cuối cùng đã được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự. Chúng ta đã tìm ra giải pháp cho một tình huống tương tự trong quá khứ. Các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao cũng đang được tiến hành để giải quyết các vấn đề hiện nay”.

Nói về chính sách dài hạn mà Ấn Độ nhất quán tuân thủ, Rajnath Singh nói: "Ấn Độ sẽ không làm tổn hại đến phẩm giá của bất kỳ quốc gia nào. Đồng thời, chúng ta cũng không tha thứ cho bất kỳ nước nào định làm tổn hại đến phẩm giá của Ấn Độ”.

Đồng thời, tờ The Times of India của Ấn Độ ngày 3/6 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc đàm phán vào ngày 6/6 giữa hai quân đội sẽ được nâng lên cấp Trung tướng. Điều này cho thấy trong cuộc đối đầu quân sự kéo dài một tháng qua, các vòng đàm phán giữa các cấp đại tá, chuẩn tướng rồi thiếu tướng đều đã thất bại, không phá vỡ được cục diện bế tắc.

Lính Trung Quốc tăng viện ra khu vực tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: weibo/ Đa Chiều).
Lính Trung Quốc tăng viện ra khu vực tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: weibo/ Đa Chiều).

Một nguồn tin cho biết: "Vòng đàm phán cấp thiếu tướng giữa quân đội hai nước đã diễn ra hôm 2/6, nhưng không mang lại kết quả."

Đài truyền hình NDTV ngày 3/6 nói, cuộc đàm phán lần này được tổ chức theo yêu cầu của Ấn Độ và sẽ diễn ra tại doanh trại của quân đội Ấn Độ ở Chusul-Moldo.

NDTV cũng nói, phái đoàn Ấn Độ sẽ do Tư lệnh quân đoàn 14, Trung tướng Lục quân Harinder Singh dẫn đầu.

Được biết, sau các cuộc ẩu đả quy mô lớn giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc vào các ngày 5 và 9/5 tại Pangong Tso (hồ Pangong) ở Ladakh và Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Sikkim trên biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, cuộc đàm phán giữa hai bên tan vỡ. Trung Quốc đã đưa thêm 5.000 quân tới 4, 5 điểm đối đầu và xung đột ở hồ Pangong, Demchok và Thung lũng Galwan....

Lính Trung Quốc tập sử dụng gậy sắt cận chiến (Ảnh: weibo/Đa Chiều).
Lính Trung Quốc tập sử dụng gậy sắt cận chiến (Ảnh: weibo/Đa Chiều).

Trung Quốc tổ chức tập trận và phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo

 Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 3/6 đưa tin, giữa lúc tranh chấp biên giới Trung-Ấn đang gia tăng, truyền thông chính thức Trung Quốc ngày 3/6 đã công bố video về cuộc diễn tập đột nhập ban đêm vào doanh trại đối phương của PLA được cho là ở trong khu vực cao nguyên đang diễn ra tranh chấp.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc  ngày 3/6 đưa tin, Quân khu Tây Tạng của PLA đã tiến hành huấn luyện thực chiến ở Cao nguyên núi Tanggula có độ cao 4.700 mét. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1/6 cũng đã phát video có liên quan, nhưng không nêu ngày giờ và nội dung huấn luyện cụ thể.

Xem xét những hình ảnh được công bố, có thể thấy quân đội Trung Quốc đã thực hiện một loạt hạng mục diễn tập, bao gồm ẩn nấp tránh bị máy bay trinh sát không người lái phát hiện khi đang di chuyển; tắt thiết bị chiếu sáng của xe và sử dụng thiết bị quan sát ban đêm; sử dụng máy bay không người lái để thả chất nổ phá chướng ngại vật của đối phương. Ngoài ra, còn diễn tập đấu súng khi tiếp cận mục tiêu, tấn công xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương và tập kích sở chỉ huy địch phía sau...

Trung Quốc triển khai nhiều máy bay tới sân bay Ngari Gunsa ở Tây Tạng (số 1) chỉ cách hồ Pangong 200km, cách New Dehli 469km (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc triển khai nhiều máy bay tới sân bay Ngari Gunsa ở Tây Tạng (số 1) chỉ cách hồ Pangong 200km, cách New Dehli 469km (Ảnh: Đa Chiều).

Hãng thông tấn Yonhap nói, mặc dù bản tin không đề cập đến tên Ấn Độ, nhưng video về cuộc tập trận được công khai trong lúc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang diễn ra tại biên giới Ladakh trên độ cao 4.300 mét khiến người ta chú ý.

Sau Sự kiện Doklam tháng 8/2017, một cuộc đối đầu quân sự khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra vào đầu tháng 5, tình hình tiếp tục căng thẳng, quân đội Trung Quốc đã dựng lều, đào hào và đưa các thiết bị hạng nặng vào bên trong phạm vi vài km trên lãnh thổ Ấn Độ.

Về vấn đề này, ông Michael Kugelman, Phó giám đốc dự án châu Á của Wilson Center, một cơ quan tư vấn của Mỹ, cho rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ là hiếm thấy, và "việc triển khai quân đội quy mô lớn của Trung Quốc là một sự phô trương sức mạnh”.

Ngoài ra, theo tin tức mới nhất từ trang web Eastpendulum của Pháp chuyên theo dõi sự phát triển của công nghệ quân sự Trung Quốc, Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên hôm 2/6 đã thực hiện 3 cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào các lúc 2 giờ, 5h24 và 9h21. Theo báo cáo, xét từ góc độ khoảng cách bay, đây có thể là các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.

Hôm 2/6, Trung Quốc phóng thử nghiệm 3 tên lửa đạn đạo được cho là loại Dongfeng-26 từ căn cứ ở tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Đa Chiều).
Hôm 2/6, Trung Quốc phóng thử nghiệm 3 tên lửa đạn đạo được cho là loại Dongfeng-26 từ căn cứ ở tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Đa Chiều).

Cư dân mạng Trung Quốc đã suy đoán đó có thể là phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo loại "Dongfeng-26". Dữ liệu cho thấy "Dongfeng-26" đã được công khai năm 2015 và chính thức đưa vào phục vụ năm 2018. Theo Đa Chiều,  "Dongfeng-26" có tốc độ tối đa Mach 18 (22.032 km/h) và tầm bắn hơn 5.000 km, phóng từ Thanh Hải có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ.

Hiện nay, quân chủng Tên lửa của Trung Quốc cũng có một loạt các loại tên lửa đạn đạo gồm Dongfeng-11, Dongfeng-15, Dongfeng-16, Dongfeng-17 và Dongfeng-21 đều có thể đe dọa các thành phố lớn và các căn cứ quân sự của Ấn Độ.

Trung Quốc đưa nhiều máy bay chiến đấu ra sân bay tiền phương

Trang tin Đa Chiều ngày 3/6 còn đưa tin, sau khi Ấn Độ cho máy bay chiến đấu bay qua khu vực tranh chấp, Trung Quốc cũng đã di chuyển một số lượng lớn máy bay chiến đấu đến sân bay tiền duyên. Cuộc ẩu đả giữa binh lính hai bên ở tuyến trước đã kết thúc, nhưng cuộc đọ sức ở tuyến hai đang nóng lên.

Máy bay J-11b và KJ-500 của Trung Quốc được đưa tới sân bay gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Máy bay J-11b và KJ-500 của Trung Quốc được đưa tới sân bay gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Vào ngày 3 tháng 6, tài khoản weibo "YangwuxianfengZhang Zhidong" có hơn 1,4 triệu người follow đã đăng một bài viết tiết lộ tại căn cứ không quân X cách khu vực hồ Pangong đang xảy ra tranh chấp hơn 200km đã tập trung số lượng lớn máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng J-16/Su- 30MKK, máy bay chiến đấu hạng nặng J-11B, máy bay chiến đấu hạng trung J-10A, máy bay chiến đấu tốc độ cao J-8, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và hai máy bay tác chiến điện tử dòng Yun-8.

Theo các bức ảnh chụp từ trên không được trang này đăng tải, thấy có ít nhất 8 chiếc J-16/Su-30MKK, 4 chiếc J-11B, 4 J-10A, 2 J-8, 2 KJ-500 và 2 tác chiến điện tử Yun-8. Việc có tới 22 máy bay quân sự xuất hiện ở sân bay tiền tuyến gần biên giới Trung-Ấn là điều hiếm thấy gần đây.

Trước đó, một video trên mạng cho thấy 2 máy bay chiến đấu Mirage-2000 và 1 máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã xuất hiện ở khu vực tranh chấp. Từ lâu nay, Ấn Độ cho rằng việc không quân không tham chiến là một trong những lý do chính cho sự thất bại trong Chiến tranh Trung-Ấn vào năm 1962. Do đó, gần đây các sân bay đã được họ xây dựng liên tục ở gần biên giới Trung - Ấn.

Máy bay Su-30 MKI của Ấn Độ xuất hiện ở bầu trời khu vực hồ Pangong tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Máy bay Su-30 MKI của Ấn Độ xuất hiện ở bầu trời khu vực hồ Pangong tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Đồng thời, Ấn Độ cũng đang tích cực mua các máy bay quân sự mới, như máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp, Su-30MKI của Nga và máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Mỹ. Mặc dù có những vấn đề hỗ trợ hậu cần, nhưng ở một mức độ nhất định, khả năng không chiến của Ấn Độ ở biên giới Trung - Ấn đã được tăng lên đáng kể.

Đa Chiều cho rằng, tuy vậy không quân Ấn Độ hiện thua kém Trung Quốc vì Bắc Kinh có thể tự chủ hoàn toàn phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20, máy bay chiến đấu hạng nặng J-16, J-10B/C, máy bay ném bom chiến lược H-6K và các máy bay quân sự khác; hệ thống tác chiến của PLA cũng được coi là hoàn chỉnh hơn.