Trang tin Đa Chiều: Ông Donald Trump cho rằng “Trung Quốc đã xâm lược Ấn Độ“

VietTimes – Tình hình biên giới Trung-Ấn đã lâm vào một vòng căng thẳng mới kể từ đầu tháng 5 và Nhà Trắng ngày 1/7 đã tiết lộ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc xung đột này.
Ông Donald Trump đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Ấn Độ trong cuộc xung đột Trung - Ấn ở biên giới (Ảnh: Đa Chiều).
Ông Donald Trump đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Ấn Độ trong cuộc xung đột Trung - Ấn ở biên giới (Ảnh: Đa Chiều).

Ông Trump lần đầu tiên phê phán Trung Quốc xâm lược

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 2/7, trong cuộc họp báo của Nhà Trắng vào ngày 1/7 theo giờ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany khi được hỏi về quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với việc Ấn Độ cấm 59 ứng dụng di động (App) của Trung Quốc, đã nói: “Về Ấn Độ và Trung Quốc, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình và ông ấy (Trump) cũng vậy”.

Bà McEnany cũng nói: "Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ muốn làm dịu tình hình và chúng tôi ủng hộ việc giải quyết hòa bình tình thế hiện tại. Ông ấy (Donald Trump) nói rằng lập trường có tính xâm lược của Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn phù hợp với mô thức xâm lược rộng lớn hơn của Trung Quốc ở các khu vực khác trên thế giới. Những hành động này đã khẳng định bản chất của Trung Quốc”.

Ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Trung Quốc-Ấn Độ tại cuộc họp báo. Ông nói rằng “sự tàn bạo của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến các khu vực khác của thế giới”.

20 quân nhân Ấn Độ bị tử vong trong cuộc xung đột tối 15/6 (Ảnh: Đa Chiều).
20 quân nhân Ấn Độ bị tử vong trong cuộc xung đột tối 15/6 (Ảnh: Đa Chiều).

Ông Pompeo còn nói: “Chúng tôi hoan nghênh Ấn Độ ra lệnh cấm đối với một số ứng dụng di động.Những App này có thể trở sản phẩm phụ của Trung Quốc giám sát nước khác. Việc dọn dẹp các ứng dụng của Ấn Độ sẽ tăng cường chủ quyền của Ấn Độ. Như chính phủ Ấn Độ nói, nó cũng sẽ thúc đẩy sự toàn vẹn và an ninh quốc gia của Ấn Độ”.

Đa Chiều viết, cuộc đối đầu lần này giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ đầu tháng 5 và xảy ra tại đoạn biên giới phía tây đang tranh chấp, đã kéo dài hơn một tháng. Vào tối ngày 15 tháng 6, tình hình đã leo thang trở lại; lực lượng quân đội hai bên đã đụng độ ở Thung lũng Galwan dẫn đến 20 binh sĩ Ấn Độ bị chết, PLA cũng chịu thương vong, nhưng không có con số cụ thể nào được tiết lộ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, có người chết trong cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn, tình hình rất nguy hiểm và hai nước có nguy cơ bùng phát chiến tranh. Trong quân đội Ấn Độ có một số người ủng hộ tiến hành một cuộc tấn công quân sự hạn chế chống lại Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng sự cố này có thể là một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nước.

Binh lính hai bên Trung - Ấn xô xát nhau trong khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Binh lính hai bên Trung - Ấn xô xát nhau trong khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Trong quá trình đối đầu Trung-Ấn đang diễn ra, ông Trump và các chính trị gia Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của họ. Hồi cuối tháng 5, ông Trump tuyên bố rằng ông sẵn sàng can thiệp vào để hòa giải mâu thuẫn biên giới Trung-Ấn. Vào ngày 20/6, ông Trump lại nói Mỹ đang đối thoại với Trung Quốc và Ấn Độ và sẽ cố gắng hết sức để giúp hai nước. Ông Trump đã không công khai chỉ trích bất cứ bên nào trong cuộc xung đột này. Tuy nhiên, từ tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng McEnany vào ngày 1/7, có thể thấy ông Trump đã ngả nhiều hơn về phía Ấn Độ.

Đa Chiều nhận xét, so với sự hàm súc của ông Trump, một số chính trị gia khác của Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc công khai hơn và mạnh mẽ hơn. Ông Mike Pompeo đã nhiều lần phê phán PLA gây nên căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn. Ông cũng ám chỉ rằng Mỹ đang rút quân từ các nơi khác trên thế giới để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc.

Ngoài ra, lãnh đạo phe đa số Thượng nghị viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell hôm 18/6 cũng chỉ trích Trung Quốc. Ông nói rằng để chiếm đoạt lãnh thổ, PLA dường như đã gây nên cuộc xung đột dữ dội nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1962. Ông cũng nói: "Phần còn lại của thế giới đều đang quan tâm nghiêm trọng đến cuộc xung đột bạo lực giữa hai quốc gia hạt nhân này. Chúng tôi khuyến khích việc làm dịu căng thẳng và hy vọng thực hiện hòa bình”.

Ảnh vệ tinh cho thấy lính Trung Quốc đóng quân và vẽ hình bản đồ cùng chữ "Trung Quốc" ở ven hồ Pangong trên phần đất mà Ấn Độ cho là của họ (Ảnh: Đa Chiều).
Ảnh vệ tinh cho thấy lính Trung Quốc đóng quân và vẽ hình bản đồ cùng chữ "Trung Quốc" ở ven hồ Pangong trên phần đất mà Ấn Độ cho là của họ (Ảnh: Đa Chiều).

Cục diện trên biên giới vẫn rất căng thẳng

Bài báo của Đa Chiều cho rằng, hiện tại, mặc dù tình hình biên giới Trung-Ấn đã có sự dịu bớt, nhưng tình hình chung vẫn căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 1/7 nói, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp Tư lệnh quân đoàn lần thứ ba vào ngày 30/6. Hai bên tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện sự đồng thuận đạt được trong hai vòng đàm phán cấp quân đoàn trước đó và đã đạt được tiến bộ tích cực trong việc thực hiện các biện pháp hiệu quả để thoát ly tiếp xúc quân đội ở tuyến trước và làm dịu tình hình ở biên giới.

Tuy nhiên trang web News18 của Ấn Độ đã đưa tin vào ngày 1/7, nguồn tin chính phủ cho biết có rất ít tiến bộ đã đạt được trong cuộc đối đầu ven hồ Pangong. Hồ Pangong là nơi hai bên tập kết nhiều quân nhất.

Một quan chức nói: "Cho đến nay, quan chức chỉ huy PLA đã không cho thấy bất kỳ sự linh hoạt nào về vấn đề hồ Pangong”. Quan chức này nói thêm: "Tôi cho rằng tình hình thực tế là chúng ta sẽ thấy có sự tiến triển dần dần trong một thời gian...chứ không phải là giải pháp một lần mà một số người có thể mong muốn”.