Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959- 19/5/2019):

Trăm phương ngàn kế, Mỹ không thể "nút kín" Đường mòn Hồ Chí Minh

VietTimes -- Gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000 km đường xe cơ giới, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của quân và dân ta; trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông bắc Campuchia. Đây cũng là nơi mà ý chí của con người đã chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh, mọi khó khăn, trở ngại của thiên nhiên khắc nghiệt trên đại ngàn Trường Sơn – nơi thể hiện thắng lợi khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của quân và dân ta.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của quân và dân ta.

Các tướng lĩnh, sĩ quan Mỹ và các phóng viên nước ngoài được trực tiếp quan sát đường Hồ Chí Minh từ trên không đều ngạc nhiên ghi nhận khả năng kì diệu của đối phương. Ngay từ cuối năm 1966, Lầu Năm góc đã kết luận: Việc ném bom thẳng vào lãnh thổ Bắc Việt Nam ("Chiến dịch Sấm rền") không có hiệu quả ngăn chặn sự "xâm nhập". Bằng cách này hay cách khác, giải pháp duy nhất là phải cắt đứt hệ thống đường mòn. "Đó là những hành động quân sự duy nhất thực sự quan trọng về mặt chiến lược trong chiến tranh Việt Nam".

Các chuyên gia quân sự Mỹ nói rằng, máy tính điện tử của họ đã biết "chi tiết" toàn bộ 3.500 dặm thuộc hệ thống đường mòn, biết rõ từng ngã tư đường, biết kĩ lưỡng từng rãnh nước. Một viên chỉ huy không quân Mỹ than thở, việc sử dụng máy bay B-52 đánh vào đường mòn cùng lắm chỉ giống "một lưỡi rìu cùn". Bắc Việt Nam chỉ cần mỗi ngày 20 chuyến xe tải cũng đủ để duy trì thế tiến công cho du kích (Quân Giải phóng).

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)

Bản thân con đường mòn được triển khai trong điều kiện cổ sơ như ở thế kỉ II trước công nguyên, nhưng trận đánh trên đường mòn lại áp dụng những kĩ thuật tiên tiến báo hiệu thế kỉ XXI. Cuối năm 1964, mỗi ngày đã có 300 lần máy bay Mỹ xuất kích đánh phá đường mòn.

William Sulivan - đại sứ Mỹ tại Lào được trao trách nhiệm chỉ huy chiến dịch bí mật đánh phá con đường mòn từ năm 1964 đến năm 1968, sử dụng cả máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược B-52. Thế nhưng, khi các trận ném bom tăng lên, con đường mòn lại phình ra như một con trăn khổng lồ. Tướng 4 sao Westmoreland - Tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam liền hối thúc Washington thay đổi cách đối phó, đưa quân lấn sâu vào đất Lào để cắt đứt đường mòn. Năm 1965, ông ta đã vạch một kế hoạch tỉ mỉ, dự tính cần đến "ít nhất một quân đoàn gồm 3 sư đoàn". Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bunker ủng hộ việc này.

Tuy nhiên, Tổng thống Johnson ra lệnh không bàn thêm về "kế hoạch Lào": ông ta hào hứng với một kế hoạch khác kiểm soát từ xa để ngăn chặn đường mòn bằng Phòng tuyến Mc Namara dài 100km tính từ bờ biển đến biên giới Việt - Lào, tốn phí dự tính 1 tỉ USD. Phòng tuyến được xây dựng năm 1967, nhưng các cuộc tiến công tập trung của Quân Giải phóng buộc quân Mỹ phải ngưng công việc này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara, người được xem là “Bộ óc” của nước Mỹ thừa nhận: “Không có một khối lượng bom nào – kể cả việc ném bom hủy diệt, một phương án mà không một người có tinh thần trách nhiệm nào có thể đưa ra – có thể làm giảm luồng chuyển quân và hàng tiếp viện (từ miền Bắc) vào miền Nam xuống thấp hơn nhu cầu tối thiểu để hỗ trợ cho các hoạt động của đối phương. Không một cuộc ném bom hủy diệt nào có thể làm nhụt chí Bắc Việt Nam và có thể giúp chúng ta giành chiến thắng. Lí do, Bắc Việt Nam có hệ thống vận chuyển rất đa dạng và được khôi phục nhanh chóng, bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường mòn. Trên các tuyến đường đó, Bắc Việt Nam sử dụng các phương tiện vận tải như tàu hỏa, xe tải, xà lan, thuyền ba lá, khuân vác bằng sức người và xe đạp...

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471 (Ảnh tư liệu)
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471 (Ảnh tư liệu)

Hệ thống vận chuyển này đòi hỏi kĩ thuật thấp, dễ bảo dưỡng, và có khả năng vận chuyển một khối lượng hàng nhiều hơn rất nhiều khối lượng hàng cần thiết để chi viện cho các hoạt động của họ ở Nam Việt Nam. Thậm chí, hệ thống ống dẫn nhiên liệu từ Bắc vào Nam bất chấp những cuộc không kích dữ dội vẫn có khả năng cung cấp 200 tấn nhiên liệu một ngày. Như vậy, không kích Bắc Việt Nam là một giải pháp hoàn toàn mơ hồ, không những gây tổn hại về người cho nước Mỹ mà còn làm cho Hà Nội quyết tâm hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu của chính mình và chi viện cho các hoạt động quân sự của họ ở miền Nam”.

Tại Washington, người ta bàn đến hàng chục kế hoạch "nút kín" con đường mòn. CIA đề nghị bắt cóc toàn bộ ban lãnh đạo Bắc Việt Nam - được biết, vị chỉ huy cảnh sát mật của Hà Nội rất thích nước ngâm quả mơ, vậy có cách nào đặt trên bình làm việc của ông ta một chai rượu mơ có chất độc? Có người đề xuất rải bia hộp dọc đường mòn để hấp dẫn quân "xâm nhập" của Bắc Việt, khiến họ đi chậm lại.

Một nhóm các nhà khoa học kĩ thuật còn để công chế tạo loại bom hình cái khuy, bé như viên thuốc. Nhóm khác lập dự án ném bom bằng chim bồ câu. Nhóm thứ ba nghiên cứu chế tạo các loại mìn tí hon, các xen-xơ giống lá cây, giống cành cây, rồi loại bom "răng rồng"... Trong khi đó, phí tổn do ném bom tính ra lớn gấp 10 lần thiệt hại của đối phương. Ước tính, máy bay B-52 thả 300 quả bom thì mới giết được 1 người; giết 1.500 quân đối phương phải tốn 2 tỉ USD.

Tính riêng về mặt hỏa lực đã triển khai trong lịch sử, không gì có thể sánh với mức bom rải dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Nó lên tới 2.235.918 tấn, vượt cả số bom đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Đầu năm 1968, cả con đường mòn như đang rít lên, duỗi thẳng ra như một con trăn khổng lồ sắp sửa lao vào tiến công địch thủ. Bất lực, tướng Westmoreland thừa nhận: "Lính Bắc Việt là những người lính kiên cường bất khuất". Trên con đường mòn, sức chịu đựng của con người đã thắng thế. Có lẽ đây là lần cuối cùng trong một trận chiến tranh quy ước lớn, con người đã bền bỉ và khôn ngoan hơn máy móc./.