Lưu Hương
Lưu Hương

Nhà báo

Trầm cảm - căn bệnh thế kỷ không thể xem thường!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Cuộc sống có quá nhiều áp lực và chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến cố và giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời. Khả năng chịu đựng và giải tỏa áp lực cũng là một kỹ năng cần phải học hỏi. Và cùng với những khả năng đó, giấc mơ sẽ giúp chúng ta bay bổng vào những lúc tưởng như bị nhấn chìm và nhận thấy cuộc sống thật tươi đẹp làm sao. Bởi vì khi còn mơ ước là khi bạn còn trông đợi và muốn bước tới phía trước.

Bạn nhắn, em gái một người bạn vừa tự tử vì trầm cảm, để lại hai đứa con nhỏ dại. Bạn bè, người thân ai cũng bàng hoàng, vì thường ngày, cô ấy là người luôn động viên bạn bè hãy vui sống, mọi chuyện khó khăn nào rồi cũng sẽ qua... 

Sáu năm trước, người bạn thân thời trung học của tôi cũng tìm cách đào tẩu khỏi cuộc đời, để lại 4 đứa con trong đó có 2 đứa nhỏ bạn nhận làm con nuôi. Khi đó tôi đã tự hỏi, điều gì khiến một người sẵn sàng nhận lũ trẻ mồ côi về để nuôi nấng, rồi sau đó lại bỏ mặc chúng? Và tôi ko có câu trả lời. Khi một người nhận thấy cuộc sống này ko đáng để sống nữa thì ngay cả con cái cũng ko thể giữ họ ở lại...

Thế giới có khoảng 350 triệu người đang sống với trầm cảm, trong đó có rất nhiều người là diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng (hình minh họa)
Thế giới có khoảng 350 triệu người đang sống với trầm cảm, trong đó có rất nhiều người là diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng (hình minh họa)

Thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ của căn bệnh trầm cảm, đứng trước cả bệnh ung thư. Theo số liệu thống kê năm 2017, thế giới có khoảng 350 triệu người đang sống với trầm cảm, trong đó có rất nhiều người là diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều người lý giải việc các nghệ sĩ và những người của công chúng là những người dễ mắc trầm cảm vì họ là những người nhạy cảm, có đời sống tinh thần sâu sắc, phức tạp, chịu nhiều áp lực... Nhưng thực tế không phải vậy. Sở dĩ chúng ta biết nhiều đến đời sống riêng tư của những người nổi tiếng cùng những vấn đề mà họ đang phải đối mặt như: bệnh tật, chứng nghiện rượu, nghiện ma túy... là vì đời sống riêng tư của họ luôn là đề tài được báo chí, truyền thông để ý khai thác.

Bên cạnh đó, họ cũng là những người luôn ý thức được trách nhiệm và ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, vì thế họ lên tiếng về những vấn đề họ gặp phải để góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về trầm cảm, từ đó cùng nhau tìm cách ngăn ngừa. Có hàng triệu những người khác cũng đang phải vật lộn với bệnh trầm cảm một cách âm thầm mà ko ai biết đến, thậm chí chính họ và gia đình của họ cũng không có khái niệm chính xác và đầy đủ về căn bệnh mà người thân của mình đang gặp phải, để khi kết cục đau buồn xảy ra thì ai nấy đều bàng hoàng, không thể tin nổi. 

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến cậu con trai của anh Đ., một ngư dân sống trong một xóm chài hẻo lánh ở Quảng Ngãi mà tôi có dịp trò chuyện. Cả đời đi biển chài lưới, mong con cái thoát khỏi cảnh nghèo đói, cơ cực, vợ chồng anh đã rất vui mừng khi con trai của họ thi đỗ đại học bách khoa Đà Nẵng. Vậy mà đến ngày nhập học, thằng bé đóng cửa nằm trong nhà, nhất định ko đến trường. Đưa con đi khám bệnh, vợ chồng anh mới biết nó bị trầm cảm, mà theo hiểu biết của họ, trầm cảm là bệnh tâm thần, là dấu chấm hết cho mọi ước vọng. Sự mặc cảm cùng hiểu biết thiếu hụt, sai lệch về trầm cảm khiến hành trình chữa trị của cha con anh Đ. càng trở nên khó khăn. Ở rất nhiều làng quê Việt Nam, sự thờ ơ, xa lánh của cộng đồng đối với người bị trầm cảm càng đẩy họ lui sâu vào bóng tối và trở nên ngày càng khép kín. 

Trường hợp của con trai anh Đ. cho thấy trầm cảm ko chỉ là căn bệnh của xã hội hiện đại với những áp lực và nhịp sống đô thị gấp gáp. Trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh sống nào. Trầm cảm không phải là trạng thái buồn bã hay stress đơn thuần mà mỗi người chúng ta đều có lúc trải qua trong cuộc sống thường ngày. Một trong những biểu hiện rõ nhất của trầm cảm là cảm giác cô độc. Nói như diễn viên người Mỹ Dwayne Johnson, "trầm cảm khiến bạn cảm thấy cô độc, cảm thấy chỉ có một mình (You feel like you're alone, you feel like it's only you), ngay cả khi đang ở giữa đông người. Ca sĩ Demi Lovato thì cảm thấy "thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi ko có tôi" (The world would be better off without me).

Những biểu hiện khác của trầm cảm là luôn trong trạng thái mệt mỏi và kiệt sức; dễ bộc phát sự tức giận; mất sự kết nối với xung quanh... Một chuyên gia tâm lý đã ví von rất sinh động: Trầm cảm giống như thời tiết vậy! Có những ngày đẹp trời và có những ngày u ám, xám xịt. Vào những ngày u ám, bạn thậm chí còn cảm thấy cuộc sống ko đáng sống (life isn't worth living). Trong sự nỗ lực vật lộn để sống sót, để thoát ra khỏi cái vực thẳm trong tâm trí, (trầm cảm khiến) bạn tự làm đau mình và làm đau cả những người mà bạn yêu thương. 

Đã hơn một lần tôi hoang mang khi thấy mình bỗng dưng mất sự kết nối với đời sống - một trong những biểu hiện của trầm cảm. Tôi ko tìm thấy động lực để ra khỏi giường vào buổi sáng và có thể đóng cửa ở trong nhà 3-4 ngày liền, ko trò chuyện cùng ai. Nhưng rồi tôi nhận ra đó ko phải là trầm cảm mà chỉ là trạng thái chán chường, tuyệt vọng nhất thời khi vừa đánh mất một giấc mơ hoặc thất bại trước một công việc mới. Bằng chứng là sau đó, tôi vẫn có thể mở một bản nhạc và nhún nhảy theo nó hoặc yoga cho đến khi ướt sũng mồ hôi. Tôi vẫn có thể cười to một mình khi xem lại ko biết bao nhiêu lần cảnh Cameron Diaz hát ngang phè, hụt hơi như con mèo hen trong My best friend's wedding hay Meg Ryan giả vờ "sướng" giữa nhà hàng đông người trong When Harry met Sally. Tôi vẫn mơ một ngày nào đó mặc chiếc đầm trắng như của Diane Lane, lang thang một mình dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải... 

Cuộc sống có quá nhiều áp lực và chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến cố và giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời. Khả năng chịu đựng và giải tỏa áp lực cũng là một kỹ năng cần phải học hỏi. Và cùng với những khả năng đó, giấc mơ sẽ giúp chúng ta bay bổng vào những lúc tưởng như bị nhấn chìm và nhận thấy cuộc sống thật tươi đẹp làm sao. Bởi vì khi còn mơ ước là khi bạn còn trông đợi và muốn bước tới phía trước. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, trầm cảm ko phải là một phản ứng đơn thuần trước một tình huống xấu hay hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, nói những điều này với người trầm cảm, hoặc hỏi họ những câu hỏi như: "Vì sao? Điều gì khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng như thế?" là vô nghĩa, vì đôi khi họ ko cần lý lẽ, mà chỉ cần có người im lặng ở bên. Nhưng biết đâu đấy, trong cái vực thẳm hun hút, bất chợt có một tia sáng yếu ớt cũng có thể khiến người ta bừng tỉnh thì sao?

Người bạn trung học của tôi đã ko gặp được tia sáng đó...