"Nếu so sánh lương lãnh đạo tập đoàn nhà nước với tập đoàn bên ngoài thì mới thấy đang có khoảng cách chênh lệch lớn. Còn nếu so lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với lương bộ trưởng thì rất khó, đúng là đang có sự khập khiễng.
Phải hiểu rằng khu vực hành chính ăn lương từ ngân sách nên phụ thuộc vào khả năng ngân sách và chính sách của Nhà nước. Nhưng giai đoạn hiện nay, ngân sách còn đang khó khăn nên khu vực hành chính sự nghiệp phải đi chậm lại, chấp nhận ở mức thấp để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường", ông nói.
Cũng theo Thứ trưởng Huân, mức lương của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế phải gắn với hiệu quả của tập đoàn đó.
"Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì lãnh đạo chỉ được hưởng mức lương thấp, làm ăn hiệu quả mới được khoảng 50 triệu/tháng. Hiện Nhà nước khống chế mức lương cao nhất cũng chỉ đến thế".
Đặt vấn đề nhiều lãnh đạo tập đoàn có mức lương cao chót vót trong khi doanh nghiệp của họ làm ăn thua lỗ hoặc có lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cực thấp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận xét:
"Doanh nghiệp có lợi nhuận thì dù tỷ suất lợi nhuận thấp hay cao vẫn tốt hơn là không có lợi nhuận. Trong quá trình thực hiện kiểm toán phải kiểm tra lại xem tiền lương của lãnh đạo tập đoàn có gắn với hiệu quả của doanh nghiệp đó không. Nếu lãnh đạo tập đoàn làm lỗ mà hưởng lương cao thì kiểm toán phải thu hồi lại khoản đó. Còn nếu doanh nghiệp làm theo đúng quy định, tức là có lợi nhuận, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước thì quy định của Nhà nước cứ thế mà thực hiện".
Cùng nhìn nhận về vấn đề này trước đó, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hiện tượng trên là không bình thường.
"Đáng lẽ các công ty làm ăn thua lỗ, lãnh đạo chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí phải cách chức. Nhưng ở Việt Nam, làm xấu, làm thua lỗ cũng được hưởng lương thì Nhà nước lấy đâu tiền để trả? Ngân sách nhà nước ngày càng thâm hụt là vì thế.
Đừng có trách người ta! Tiền ai mà chẳng ham, đem đến tận tay phát thì ai không muốn cầm? Nhưng phải chặn lại tình trạng này. Nhìn sang Quốc hội Mỹ, nếu không hiệu quả, chưa được duyệt chi thì họ chặn lại, ngân sách đó không được giải ngân".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành khẳng định, với công sức của lãnh đạo tập đoàn, lương 50-70 triệu là bình thường, vấn đề là tập đoàn đó có phát triển hay không, có làm ăn hiệu quả hay không? Nếu tập đoàn trong 1-2 năm không phát triển thì phải cách chức lãnh đạo tập đoàn, thay bằng người khác, kể cả người nước ngoài.
"Phải tránh tình trạng làm giám đốc muôn đời, cố bám theo chiếc ghế đó để bòn hút xã hội, đất nước. Nếu anh làm tốt thì bao nhiêu lương cũng được nhưng nếu lợi dụng vị trí đó khiến tập đoàn thua lỗ thì không thể chấp nhận được", ông Đực nhấn mạnh.
Theo: Đất Việt