TP.HCM: “Xe ôm công nghệ” tố liên tiếp bị hành hung

VietTimes -- Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam phản ánh tình trạng xe ôm truyền thống hành hung, dọa nạt tài xế GrabBike. Chỉ tính riêng trong 1 năm qua đã có 65 vụ việc như vậy và đang này ngày càng gia tăng về vụ việc, mức độ ngày một thêm căng thẳng. 

Grab đang thử nghiệm các dịch vụ mới như chia sẻ xe hơi cũng như dịch vụ giao thức ăn và giao hàng đầu cuối. Grab hiện đang hoạt động tại Singapore, Indonesia, Phillipines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Grab đang thử nghiệm các dịch vụ mới như chia sẻ xe hơi cũng như dịch vụ giao thức ăn và giao hàng đầu cuối. Grab hiện đang hoạt động tại Singapore, Indonesia, Phillipines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Mô hình xe ôm GrabBike nhằm tạo thêm việc làm cho nhiều người trong đó có cả xe ôm truyền thống với sự cạnh tranh lành mạnh nhưng thực tế đã xảy ra nhiều vụ xe ôm truyền thống hành hung, xô xát với tài xế GrabBike vì cho rằng có sự cạnh tranh địa bàn, giành khách.

Trước thực trạng này, Grab đã tổ chức buổi thương thảo các tài xế xe ôm truyền thống với sự chứng kiến của đại diện các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hầu hết các tài xế tự do từ chối tham gia đội GrabBike vì họ đã quen với việc thương lượng giá với khách hàng, trong khi nếu tham gia GrabBike, giá cước được thể hiện rõ cho từng chuyến đi và thường là thấp hơn rất nhiều so với giá của các tài xế xe ôm tự do.

Theo thống kê, từ tháng 11/2015 đến nay trên địa bàn TP. HCM, đã có 65 vụ xe ôm truyền thống hành hung tài xế GrabBike, trong đó khu vực sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra 18 vụ, bến xe An Sương xảy ra 15 vụ, khu vực Cống Quỳnh – Phạm Ngũ Lão – Lê Hồng Phong xảy ra 10 vụ, chợ Bến Thành xảy ra 4 vụ…

Hiện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có tới 20.000 tài xế GrabBike hoạt động bán thời gian (thu nhập 3 – 4 triệu đồng/người/tháng) và toàn thời gian (7 – 8 triệu đồng/người/tháng). Để hạn chế tình trạng này, Công ty Grab đã gửi công văn đến lực lượng chức năng trong đó có công an phường, quận, thậm chí cả Công an thành phố xem xét, giải quyết.  

Cũng trong thời gian này, Grab đang kêu gọi người đi GrabBike bán xe cho Grab nhằm hạn chế số lượng xe máy cá nhân, khuyến khích phát triển giao thông công cộng.

Thông qua chương trình "GrabBike mua xe của khách, giảm tải giao thông”, Grab kêu gọi người dân đi chung xe và hành khách đi GrabBike bán bớt xe máy cho Grab, góp phần giảm số lượng xe cá nhân. Giá trị của xe sau khi thống nhất thỏa thuận sẽ được quy đổi thành mã tín dụng, cho phép người bán toàn quyền sử dụng mã này khi dùng dịch vụ di chuyển của GrabBike - xe ôm công nghệ.

Như vậy, người bán xe vẫn có thể chủ động trong việc đi lại hàng ngày bằng dịch vụ vận chuyển công cộng tiện lợi, văn minh của Grab, đồng thời, tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo trì. Sau khi thu mua, xe sẽ được Grab cho bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp và bán lại cho các tài xế GrabBike và các đối tượng người nghèo cần tìm kiếm công việc ổn định cùng GrabBike với giá ưu đãi.

Đối tượng được ưu tiên mua xe là các tài xế GrabBike có thành tích tốt, có nhu cầu nâng cấp xe tốt hơn phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, Grab cũng sẽ hỗ trợ bán xe trả góp không lãi suất dành cho các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, muốn có việc làm ổn định nhưng không có xe để gia nhập đội ngũ tài xế GrabBike.