TP.HCM: Giải thể nhiều bệnh viện điều trị COVID-19, nỗ lực đưa trẻ đến trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc mới trên địa bàn TP.HCM tăng từ 1.400 – 1.700 F0 mỗi ngày, tuy nhiên, TP.HCM tiếp tục giải thể nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 và vẫn nỗ lực đưa trẻ đến trường.
Với lứa tuổi học sinh, được đến trường học trực tiếp là niềm vui. Ảnh: Hoà Bình
Với lứa tuổi học sinh, được đến trường học trực tiếp là niềm vui. Ảnh: Hoà Bình

Ngành GD&ĐT chọn phương án đưa trẻ đến trường

Do nỗ lực đưa trẻ đến trường để thầy trò có thể dạy và học trực tiếp, ở TP.HCM hiện tại số F0 và F1 là giáo viên và học sinh trên địa bàn TP.HCM đang tăng, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thông tin từ Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Trịnh Duy Trọng cho biết cụ thể, về số ca dương tính là học sinh, ngày 21/2 TP.HCM ghi nhận 285 ca; ngày 22/2 là 219 trường hợp; ngày 23/2 có 178 ca; ngày 24/2 phát hiện 185 trường hợp; số trường hợp ngày 25/2 là 216. Trước tình hình trên, ngành GD&ĐT TP.HCM vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp.

Lý do cho sự nỗ lực đưa trẻ đến trường là vì trẻ học trực tuyến kéo dài cũng bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ nói chung, dễ mắc nhiều tật xấu. Ngoài ra, thầy cô còn lo ngại về tình trạng chất lượng đào tạo không cao, đặc biệt là đánh giá qua các kỳ thi online khó chính xác. TP.HCM đang trong tuần thi hết học kỳ 1 dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, là đối tượng chưa được tiêm vaccine COVID-19. Học sinh các cấp, từ lớp 7 trở lên đã thực hiện xong kỳ thi hết học kỳ 1 trước đó.

Chào cờ online học trực tuyến đã được thay thế bằng những buổi tập trung dưới cờ tại trường. Ảnh: Hoà Bình
Chào cờ online học trực tuyến đã được thay thế bằng những buổi tập trung dưới cờ tại trường. Ảnh: Hoà Bình

Trong tuần qua, ngành giáo dục TP.HCM cũng đã thực hiện quy định mới về hướng dẫn xử lý các trường hợp F1 trong trường học. Theo đó, ở cấp mầm non, cả lớp sẽ nghỉ học nếu trong lớp xuất hiện ca dương tính.

Tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường hợp tiếp xúc gần (F1) sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà 05 ngày (đối với học sinh đã tiêm đủ liều vaccine) hoặc 07 ngày (đối với học sinh chưa tiêm đủ liều vaccine). Những trường hợp này sẽ quay lại cơ sở giáo dục khi nào có xét nghiệm “âm tính”. Quy định này thực hiện thống nhất ở tất cả các trường học, không phân chia theo khối lớp.

Đề xuất công nhận kết quả xét nghiệm tại nhà của học sinh

Liên quan đến giấy xác nhận âm tính cho học sinh là F1 đã hoàn thành việc cách ly, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho hay, theo hướng dẫn của ngành y tế, các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế, cở sở y tế có nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm) sẽ là đơn vị cấp giấy xác nhận này.

“Đây sẽ là điều kiện tốt nhất, bởi lẽ, nhân viên y tế có chuyên môn, đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, việc công nhận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho cho các em quay trở lại trường học trực tiếp”, đại diện Sở GD&ĐT nhấn mạnh.

Ông Trịnh Duy Trọng - Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi
Ông Trịnh Duy Trọng - Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi

Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, thực tế, một số phụ huynh chưa có điều kiện, gặp khó khăn trong việc đưa con đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Do vậy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Sở Y tế đã thống nhất cũng như xin ý kiến UBND TP về việc triển khai việc hướng dẫn cho phụ huynh học sinh xét nghiệm COVID-19 cho con em tại nhà.

Cụ thể, ngành giáo dục cùng cơ quan y tế sẽ phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh thực hiện xét nghiệm. Qua đó, công nhận kết quả xét nghiệm cho học sinh, đảm bảo an toàn cho các em sau khi hoàn thành cách ly và đi học trực tiếp trở lại.

Đối với việc xác nhận âm tính cho học sinh là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai đề nghị, khi con em nhiễm COVID-19, phụ huynh phải báo ngay cho chính quyền địa phương (trạm y tế địa phương) để ghi nhận, theo dõi, giám sát việc xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngày 1, ngày 5, ngày 7) và xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Sau khi có kết quả xét nghiệm "âm tính" và có giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, trẻ mới có thể trở lại trường học.

Giải thể nhiều bệnh viện điều trị COVID-19

Ngày 28/2, UBND TP.HCM quyết định giải thể 2 trung tâm cách ly F0 cho đối tượng đang chăm sóc, viên chức, người lao động tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc và Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (cả 2 cùng trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TPHCM). Hai bệnh viện (BV) điều trị COVID-19 khác tại BV quận Phú Nhuận và BV Nhi đồng 1 cũng bị giải thể.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: HCDC
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: HCDC

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị vệ sinh, khử khuẩn để tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải COVID-19. Riêng BV Nhi đồng 1 duy trì khu cách ly quy mô 150 giường.

UBND TP.HCM cũng đồng ý với phương án sắp xếp lại hoạt động của một số BV thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn theo đề xuất của Sở Y tế. Theo đó, các BV dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện, TP Thủ Đức và Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghệ cao TPHCM tiếp tục được duy trì. Đối với BV dã chiến, TPHCM tạm ngưng hoạt động 3 BV số 6, 8 và 12; duy trì 3 BV số 13, 14 và 16.

BV Bệnh nhiệt đới và BV Chợ Rẫy duy trì 200 giường ICU/bệnh viện, đảm bảo TP luôn sẵn sàng 1.000 giường ICU điều trị người bệnh COVID-19. Riêng Trung tâm Hồi sức COVID-19 sẽ ngưng hoạt động để chuẩn bị đưa BV Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc bệnh lý ung bướu. Sở Y tế TPHCM khẳng định sẽ kích hoạt lại hoạt động các BV tạm ngưng trong vòng 24 giờ khi cần thiết.