TP.HCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 24/10, UBND TP.HCM vừa có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố, tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".
TP.HCM công bố dịch cấp đọo 2 tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Ảnh: Hoà Bình
TP.HCM công bố dịch cấp đọo 2 tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Ảnh: Hoà Bình

Theo UBND TPHCM, kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM đến ngày 24/10, TPHCM đạt cấp độ 2.

Đối với cấp quận huyện và TP Thủ Đức, đạt cấp độ 1 có 9/22 địa phương gồm: quận 1, 7, 8, 10, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Cần Giờ, Củ Chi, TP Thủ Đức; 12/22 địa phương đạt cấp độ 2 gồm: quận 3, 4, 5, 6, 11, 12, Bình Chánh, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè; 1/22 địa phương đạt cấp độ 3 là quận Bình Tân.

Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn có 139/312 địa phương đạt cấp độ 1, 96/312 địa phương đạt cấp độ 2, 17/312 địa phương đạt cấp độ 3.

Theo khảo sát, có tới 85,71% doanh nghiệp tại TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động hôm nay ngày 24/10 cho thấy chi tiết có gần 10.000 doanh nghiệp tại TP.HCM bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ lệ 36,74%; Ít bị ảnh hưởng nhất là lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ chiếm 3,69%.

Bán lẻ là ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch COVID-19. Ảnh: Hoà Bình

Bán lẻ là ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch COVID-19. Ảnh: Hoà Bình

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ 16,42%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm tỷ lệ 8,79%; xây dựng chiếm 8,77%.

Doanh nghiệp ở lĩnh vực vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 6,66%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 4,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,03%.

Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, phần đông các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 42,7%; doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm tỷ lệ 18,23%; doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.

Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cũng ghi nhận trong 251.027 người lao động đang làm việc thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chiếm tỷ lệ 51,62%.

Lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.

Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 59,02%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 20,74%; cho lao động thôi việc chiếm 11,49%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 8,75%.

Để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới," các doanh nghiệp đã và đang xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp và người lao động bắt đầu quen dần với các hình thức làm việc tại nhà, làm việc trực truyến, nhất là những ngành nghề có liên quan nhiều đến công nghệ thông tin như thông tin và truyền thông, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp cũng dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự và làm việc phù hợp trong tình hình hiện nay.