TP.HCM cho mở lại quán bán mang đi, chủ nhà hàng vẫn đóng cửa tiếp vì sợ… vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM vừa có chủ trương mới cho phép mở lại quán bán mang đi, tuy nhiên, các chủ nhà hàng vẫn đóng cửa tiếp vì sợ… vỡ nợ.
Bà Như Phượng, chủ quán Phở Phượng Huỳnh ở đường Phú Thuận (Quận 7), dự báo tình hình kinh doanh khó khả thi. Ảnh: HB
Bà Như Phượng, chủ quán Phở Phượng Huỳnh ở đường Phú Thuận (Quận 7), dự báo tình hình kinh doanh khó khả thi. Ảnh: HB

Vùng xanh cũng chưa dám mở quán

Trao đổi với phóng viên VietTimes, nhiều chủ nhà hàng và đơn vị cung cấp thực phẩm tại TP.HCM cho hay không mặn mà với việc mở lại hàng quán lúc này vì rất nhiều lý do.

“Muốn mở lại quán thời điểm này phải đảm bảo yêu cầu “ba tại chỗ”, tức là chủ quán phải nuôi luôn nhân viên ăn ở tại chỗ; trong khi nếu mở quán để kinh doanh thì mọi chi phí rất lớn về mặt bằng, thuế, điện nước, gas… đều tăng cao và chủ quán phải trả đủ, không được bên nào hỗ trợ” – Ông Nguyễn Duy Dương, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Nam Tiến (Natifoof) cho hay.

“Quy định của thành phố yêu cầu xét nghiệm COVID-19 toàn bộ nhân viên mỗi tuần 2 lần, chi phí test 1 người /2 lần/ tuần đã hết 700.000 đồng rồi. Thuê nhân công ở TP.HCM cũng là một vấn đề không dễ dàng sau dịch. Giá nhân công đang tăng so với trước dịch, vì mọi thứ đều khó khăn, nếu chấp nhận đi làm để mưu sinh, người lao động cần được nhận mức thù lao hợp lý hơn họ mới đánh đổi. Mà giả sử, nhân công mới tuyển xong vào làm được vài ngày test COVID-19 lại cho kết quả dương tính thì cả nhà hàng đều bị ảnh hưởng” – ông Nguyễn Duy Dương thở dài.

“Cũng theo quy định, bắt buộc phải đăng ký bán online, nghĩa là phần trích lại cho nền tảng số chiếm mất khoảng 30% rồi, giá nhập nguyên vật liệu hiện tại đắt lên 50% so với trước dịch. Mà dự báo sức mua không cao, theo tính toán doanh số có thể chỉ khoảng 30% so với trước dịch, do tâm lý ngại các nguồn thực phẩm từ bên ngoài có thể mang theo virus, đồng thời giá cả các món hàng chắc chắn bị đẩy lên rất cao, trong khi người dân thiếu tiền từ lâu rồi. Cho nên mở lại hàng quán lúc này không khả thi” – Ông Nguyễn Duy Dương phân tích.

Một số chủ doanh nghiệp, chủ nhà hàng phải đóng cửa chung tay giải cứu nông sản cho bà con. Ảnh: HB

Một số chủ doanh nghiệp, chủ nhà hàng phải đóng cửa chung tay giải cứu nông sản cho bà con. Ảnh: HB

Bà Như Phượng - chủ quán Phở Phượng Huỳnh ở đường Phú Thuận (Quận 7), khu vực đã trở thành vùng xanh, cho biết chi tiết: “Cực nhất là mở lại quán phở vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao, muốn có nồi nước dùng ngon, cho dù chỉ nấu 1 tô phở vẫn phải đủ nguyên vật liệu, mà số nguyên vật liệu này, chỉ có thể nấu trong 2 ngày trở lại. Với tình hình hình nhập nguyên vật liệu là thực phẩm, hàng hoá tươi sống khó khăn, cung không đủ cầu như hiện tại thì rất khó để có thể duy trì quán phở”.

Bà Phượng phân tích thêm: “Sau dịch, tâm lý ăn uống của người dân đã quá quen với việc ở trong nhà, tự chế biến món ăn sáng vừa rẻ vừa an toàn hơn. Sẽ chỉ còn lại một số rất ít những người đang thực hiện công vụ có thể ra đường. Thêm nữa, quy định mới chỉ là bán mang đi, nên giả sử giá một tô phở là 35.000 đồng nhưng giá ship lại lên tới 50.000 đồng nữa khách mới có thể ăn được tô phở, chắc chắn không nhiều người lựa chọn ăn phở kiểu này”.

Vì nhiều lý do như thế, nên mặc dù tâm lý người bán rất muốn kiếm tiền nhưng chủ quán cho biết vẫn rất sợ lây nhiễm dịch bệnh, sợ lỗ chồng lỗ, thành thử, đa phần các chủ quán vẫn chỉ ngồi yên quan sát thêm xem sao.

Nông sản được vận chuyển lên các xe tải, đưa đến các khu dân cư. Ảnh: HB
Nông sản được vận chuyển lên các xe tải, đưa đến các khu dân cư. Ảnh: HB

Giám đốc nhà hàng chịu lỗ, ở nhà thuê vì “sập tiệm”

Trao đổi với VietTimes, Hồng Thị Gấm, chủ nhà hàng Miss Korea bán món ăn Hàn Quốc tại quận 1 cho hay: “Hồi 2019, lúc thuê mặt bằng Miss Korea, điều khoản đặt cọc là hơn 400 triệu. Đầu tư sửa chữa, thiết kế, decor, sắm bàn ghế, mua thiết bị từ Hàn Quốc về, thuê đầu bếp người Hàn Quốc sang ăn ở TP.HCM huấn luyện nhân viên, trả lương đầu bếp Hàn Quốc những tháng đầu, tiền chi phí marketing cho nhà hàng… Tổng đầu tư hết khoảng 1,7 tỷ đồng (tính luôn cả tiền đặt cọc). Đối với những người làm nhiều thì có thể khoản đầu tư này không phải là cao, nhưng đối với tôi thì đây thực sự là một tài sản”.

“Giá thuê mặt bằng nhà hàng Miss Korea hàng tháng là 80 triệu. Hồi tháng 2 và tháng 3/2020 vì gặp dịch COVID-19 nên chủ nhà có giảm cho tôi 20 triệu/tháng, tức là còn lại 60 triệu tiền thuê mặt bằng. Dịch thì kể cả đóng cửa không bán được đồng nào, tiền thuê vẫn phải trả thôi” – Hồng Thị Gấm ngậm ngùi kể.

Chủ nhà hàng Miss Korea tâm sự, mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, thuế, điện nước, tiền nhập hàng vào… hết vài ba trăm triệu. Lúc mới mở ra kinh doanh, hồi 2019 thì khách đông tấp nập nhưng cuối năm 2019 thì đại dịch COVID-19 bùng phát. Và ngay từ giai đoạn đầu dịch, khách đã lưa thưa, mỗi ngày chỉ vài bàn có khách. Mỗi tháng, chủ nhà hàng chấp nhận chịu lỗ cả trăm triệu.

Chủ nhà hàng Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) cho biết đến nay chưa dám mở lại nếu chỉ để bán mang đi. Ảnh: HB
Chủ nhà hàng Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) cho biết đến nay chưa dám mở lại nếu chỉ để bán mang đi. Ảnh: HB

“Chấp nhận làm ăn thì cũng có thể phải chịu rủi ro. Đáng lẽ, số tiền tích cóp được, tôi định mua một căn chung cư nho nhỏ để ở nhưng vì đam mê nhà hàng nên vay thêm vốn bỏ vào kinh doanh. Dịch bệnh lan tràn coi như vận xui, thì lại đi thuê nhà tiếp thôi” – Bà chủ Miss Korea cho hay nhà hàng đã buộc phải đóng cửa từ giai đoạn TP.HCM dừng toàn bộ hoạt động nhà hàng.

Mấy tháng nay, Hồng Thị Gấm chuyển sang buôn bán rau củ, thực phẩm tươi sống như thịt, cá… vì lúc này người dân TP.HCM chỉ cần nhất những thứ đó. Giai đoạn này, mặc dù đang kinh doanh đúng lĩnh vực thực phẩm và chủ trương của TP.HCM cho phép mở lại quán bán mang đi nhưng Hồng Thị Gấm cho hay đã ôm một “cục nợ” rồi, không còn khả năng quay lại ôm thêm “cục nợ” mới, khả năng duy trì nhà hàng chỉ để bán mang đi là không khả thi.