TP.HCM xây dựng hệ thống hầm chui ngàn tỷ ở cửa ngõ phía Nam

Hệ thống giao thông này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang xảy ra thường xuyên tại đây. Tổng số vốn dành cho công trình dự đoán sẽ vào khoảng 2.600 tỷ đồng.
Nút giao thông sẽ xây dựng hệ thống hầm chui và đảo tròn. (Ảnh: Google Earth)
Nút giao thông sẽ xây dựng hệ thống hầm chui và đảo tròn. (Ảnh: Google Earth)

UBND TP.HCM vừa đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về lập phương án phân kỳ đầu tư nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).

Theo đó dự án này sẽ bao gồm xây dựng hệ thống hầm chui, cầu vượt và đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) tại điểm giao giữa hai con đường trên.

Cụ thể giai đoạn 1 sẽ tổ chức làm đảo tròn, hầm chui các tuyến nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh và hệ thống đèn tín hiệu trên hai tuyến đường với kinh phí khoảng 840 tỷ đồng.

Giao đoạn 2 sẽ xây thêm hai hầm chui, hai cầu vượt với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng (trong đó có 1000 tỷ dùng để giải phóng mặt bằng).

UBND TP cũng giao công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận làm việc với công ty TNHH Phú Mỹ Hưng để thỏa thuận đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Đổi lại đơn vị thực hiện sẽ được giao quyền sử dụng 240ha đất tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè.

Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ hai hai con đường huyết mạch của quận 7. Trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối khu vực trung tâm TP với cảng và khu công nghiệp Hiệp Phước, thì đường Nguyễn Văn Linh kết nối khu chế xuất Tân Thuận với Quốc lộ 1A. Do đó dù đây là hai tuyến đường rộng những thường xuyên xảy ra ùn tắc tại vị trí giao cắt bởi mật độ xe quá đông.

Một đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ nhìn về trung tâm TP.
Một đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ nhìn về trung tâm TP.

Trước đó vào giữa tháng 5 vừa qua Sở Giao thông vận tải cũng đã có công văn kiến nghị UBND TP chấp nhận dự án mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) trị giá 1.600 tỷ đồng để kéo giảm ùn tắc tại cửa ngõ Bắc của TP.

Liên quan đến vấn đề giao thông, mới đây Ban quản lý Đường sắt đô thị và UBND TP.HCM cũng đã đăng ký với Chính phủ để xin vay vốn ODA của Nhật Bản nhằm đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị 3A và 3B.

Trong đó tuyến 3A có lộ trình từ Bến Thành (quận 1) về bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) dài 9,7km, có vốn đầu tư dự kiến hơn 32.000 tỷ đồng. Tuyến 3B có lộ trình từ Ngã Sáu Cộng Hòa (quận 3) đến Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) dài 12km, có vốn đầu tư dự kiến gần 34.000 tỷ đồng.

Theo Infonet