TP.HCM vượt 6.200 ca bệnh, dự báo COVID-19 tiếp tục “nóng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay, 5/7, CDC TP.HCM cho hay, TP.HCM đã vượt 6.200 ca bệnh, đưa ra các phân tích, dự báo COVID-19 tiếp tục “nóng”, do mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp về COVID-19 cùng với Chính phủ - Ảnh TTBC
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp về COVID-19 cùng với Chính phủ - Ảnh TTBC

Số ca nhiễm còn tiếp tục tăng

Sáng 5-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp về COVID-19 cùng với Chính phủ. Sáng cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo dịch COVID-19 đang diễn biến nhanh, phức tạp, dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các chum ca bệnh mới, do mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, dịch đã xâm nhập các khu vực có nguy cơ cao như nhà máy, khu công nghiệp, TP đã phải đóng cửa hàng trăm chợ truyền thống, siêu thị lớn trên địa bàn...

Tính từ 18h ngày 4-7 đến 6h ngày 5-7, TP.HCM tiếp tục ghi nhận thêm 175 ca nhiễm mới được Bộ Y tế công bố sáng 5-7 (BN20054-BN20228). Tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận hơn 6.200 ca bệnh COVID-19, đứng đầu cả nước.

Bản tin tối 3/7, TP.HCM ghi nhận 714 ca bệnh mới. Trước đó, cao điểm nhất, hôm 25/6, TP.HCM cũng ghi nhận 724 ca nhiễm. Các chuyên gia đang xác định đây là “đỉnh dịch” của TP.HCM. Trong đó, một trong số các nguyên nhân khiến ca nhiễm tăng nhanh là bởi TP.HCM đang trong chiến dịch xét nghiệm toàn dân đạt 5 triệu người trong vòng 10 ngày; giúp phát hiện thêm nhiều chùm ca bệnh mới trong cộng đồng.

Mặc dù có số ca nhiễm cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, không máy móc, “hành chính hoá” phong toả, TP.HCM không giãn cách tuyệt đối trên toàn thành phố nhưng vẫn phong toả từng khu vực phát sinh nhiều ca bệnh mới để phòng, chống dịch, tiến đến ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

“TP.HCM vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh” – Thủ tướng đã chỉ đạo.

“Thực hiện các chỉ đạo về giãn cách, phong tỏa, cách ly một cách linh hoạt, không theo địa giới hành chính mà theo tình hình dịch tễ. Phối hợp liên vùng trong cung cấp thông tin, truy vết. Khi chưa rõ thông tin, căn cứ cụ thể thì có thể giãn cách diện rộng nhưng phải nhanh chóng điều tra, truy vết để thu hẹp phạm vi phong tỏa, cách ly gọn nhất có thể, kiểm soát chặt chẽ bên trong” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nói Chỉ thị 10 của TP.HCM không có hiệu quả là không đúng. "Chỉ thị 10 của TP đã đúng hướng, 'không mặc đồng phục cho cả thành phố', còn có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm thì chúng ta phải siết lại", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch.

TP.HCM tiếp tục phong toả hẹp một số khu vực- Ảnh HCDC
TP.HCM tiếp tục phong toả hẹp một số khu vực- Ảnh HCDC

Chuyên gia vào cuộc phân tích thông tin

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo thành lập trung tâm phân tích dữ liệu tại trụ sở UBND TP. Sở Thông tin Truyền thông cùng Văn phòng UBND TP, Sở Y tế phân công nhân sự trực 24/24, thu thập toàn bộ dữ liệu trên địa bàn và kết nối với Trung ương.

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã cung cấp dữ liệu cho 2 nhóm nghiên cứu gồm: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - làm trưởng nhóm, và nhóm nghiên cứu Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến - trưởng khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên - làm trưởng nhóm.

Các nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp số liệu về số ca F0; số ca phát hiện qua khám sàng lọc ở bệnh viện hoặc cộng đồng, trong khu cách ly, phong tỏa; test dương tính lần 1, có hoặc không có triệu chứng; phân tích đánh giá xu hướng dịch theo các mốc áp dụng chỉ thị 15, 16 và chỉ thị 10.

Nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright cho rằng việc áp dụng chỉ thị 10 cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dự kiến đợt dịch này sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021.

Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra 2/4 kịch bản phòng, chống dịch có kết luận dịch sẽ kết thúc vào tháng 8-2021. Kịch bản thứ 1 là áp dụng chỉ thị 10 trong 2 tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần; tổng số ca nhiễm cả đợt sẽ là 11.000 người; dự kiến 7.000 giường bệnh. Kịch bản thứ 2 là áp dụng chỉ thị 16 trong 1 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng; dự kiến ca nhiễm là 7.000 - 10.000 ca và 7.000 giường bệnh.

Nhóm Tech4Covid dự báo ca F0 cộng đồng có xu hướng đạt đỉnh và giảm nhẹ trong tháng 7-2021. Dịch sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu chỉ thị 10 được tuân thủ tốt và triển khai nhanh xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng.

Nhóm này đề xuất phân loại quận, huyện theo nguy cơ. Nhóm nguy cơ rất cao gồm các quận, huyện: Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, 8, 12, 1, 4. Nhóm nguy cơ cao gồm các quận: 7, 5, 10, 11, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (quận Thủ Đức và quận 9 cũ), Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Nhóm có nguy cơ là các quận huyện: 3, 2, 6, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Cần Giờ.

Từ đó, nhóm kiến nghị cân nhắc đưa vào danh sách tăng cường xét nghiệm đối với nhóm có nguy cơ rất cao; cải thiện khai báo y tế điện tử cho thuận lợi và hiệu quả hơn; cải tiến mô hình phục vụ các dự báo số giường bệnh cần thiết, số ca tử vong, cần có thêm dữ liệu khai báo y tế…

Hai nhóm nghiên cứu đều đánh giá dịch COVID-19 tại TP.HCM đã đạt đỉnh và sẽ kết thúc vào tháng 8-2021.

An toàn cho sản xuất, dân sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT

Lấy mẫu xét nghiệm cư dân các quận, huyện TP.HCM - Ảnh: HCDC

Lấy mẫu xét nghiệm cư dân các quận, huyện TP.HCM - Ảnh: HCDC

TP.HCM đã xét nghiệm cho gần 100.000 thí sinh và giáo viên coi thi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Chậm nhất ngày hôm nay 5/7 sẽ có kết quả cho khối giáo viên và học sinh này. Đợt 1 sẽ thi vào ngày 7 và 8-7 dành cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, cách ly, không ở các địa phương có nguy cơ cao hoặc thuộc diện F0, F1, F2. Kỳ thi đợt 2 (chưa xác định thời gian) dành cho những thí sinh bị ảnh hưởng hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, không thể dự thi đợt 1.

Sở GD&ĐT đã ra văn bản hướng dẫn thí sinh nếu trở thành F0-F1-F2 hoặc cư trú ở khu vực đang phong toả, thành phố hiện có có 200 thí sinh thuộc diện F0-F1, tổng số 991 thí sinh cư trú trong khu vực đang phong toả; các em cũng được chuyển qua tham dự kỳ thi đợt 2. Với đối tượng 4.700 thí sinh các trường THPT tư thục, đang ở tỉnh thành khác, nếu không kịp về TP.HCM tham dự kỳ thi Đợt 1 được chuyển vùng về các địa phương hoặc tham dự kỳ thi Đợt 2.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM như Tiền Giang, Đồng Tháp…, mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương. Các ca nhiễm cộng đồng tại các tỉnh thành lân cận bắt đầu có xu hướng lây lan nhanh, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã chuẩn bị phương án 10.000 giường đồng thời cũng sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới. “Bộ Y tế dự kiến sẽ phân bổ cho TP.HCM gần 1 triệu liều vắc xin trong thời gian tới” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.