TP.HCM thí điểm xây dựng quận 1 “thông minh“

VietTimes -- Với đề án thành phố thông minh, dự kiến TP.HCM sẽ phát triển trở thành thành phố an toàn, có năng lực cảnh báo sớm các vấn đề có thể xảy ra để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời mọi tình huống, trong đó sẽ nâng cao năng lực cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh cho khách du lịch và người dân...

Nhà thờ Đức Bà là điểm tham quan quen thuộc của khách quốc tế khi đến TPHCM. Ảnh: Dân Trí
Nhà thờ Đức Bà là điểm tham quan quen thuộc của khách quốc tế khi đến TPHCM. Ảnh: Dân Trí

Đó là một trong những nội dung được bàn thảo tại buổi báo cáo về thực hiện Đề án thành lập Trung tâm điều hành Thành phố thông minh dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển trở thành thành phố an toàn có năng lực cảnh báo sớm các vấn đề có thể xảy ra để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời mọi tình huống. Cụ thể mục tiêu đề án đặt ra là TP.HCM sẽ nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát và an ninh, tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực để đảm bảo an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh cho khách du lịch và người dân...

Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng, quận 1 là khu vực đặc biệt quan trọng của TP.HCM. Đây là nơi tập trung các cơ quan hành chính, ngoại giao, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, du lịch và giải trí nên có vai trò rất quan trọng của TP.HCM. Vì vậy, TP.HCM nên thực hiện thí điểm xây dựng quận 1 trở thành đô thị thông minh trước từ đó sẽ rút kinh nghiệm và bài học trước khi triển khai rộng hơn.

Thành phố thông minh sẽ cung cấp đầy đủ thông tin ngay lập tức về các khía cạnh đời sống xã hội khi lãnh đạo cần để có thể điều hành, đưa ra quyết định nhanh và chính xác. Cán bộ chuyện môn cũng có đầy đủ thông tin để xử lý công việc trong thời gian ngắn, nâng cao hiệu quả làm việc. Đồng thời, xây dựng thành phố thông minh cũng giúp các cơ quan an ninh phát hiện tội phạm tức thời, đảm bảo cho người dân sống trong môi trường không tội phạm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thành phố thông minh là hướng tới việc sử dụng công nghệ thông tin quản lý chất lượng môi trường sống tự động, các cơ quan chức năng có số liệu về chất lượng không khí, nước, đất trong thời gian thực...

Hay như thành phố thông minh sẽ giúp cho ngành y tế có các phương pháp chuẩn đoán và chữa bệnh mới, hiệu quả hơn, giúp ngành giáo dục được tiếp cận phương pháp mới nhờ khả năng tương tác trong thời gian thực, chia sẻ thông tin đa chiều.

Ngoài ra, thành phố thông minh còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông, xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ giao thông thông minh, quản lý bãi xe thông minh, hướng dẫn di chuyển thông minh, giảm thiểu tối đa ùn tắc giao thông...