TP.HCM sẽ giảm biên chế gần 13.927 người trong 6 năm tới

Nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP đề án tinh giản biên chế. Theo đó sẽ có khoảng 1.300 người thuộc khối hành chính và khoảng 12.600 người thuộc khối sự nghiệp bị tinh giản.
Những cán bộ công chức không đủ năng lực sẽ bị loại khỏi biên chế.
Những cán bộ công chức không đủ năng lực sẽ bị loại khỏi biên chế.

Đề án này được đưa ra nhằm mục đích loại khỏi các đơn vị nhà nước những cá nhân không đủ năng lực làm việc, không phù hợp với các vị trí đã có hay dôi dư… để xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu công việc. Đề án được thực hiện từ nay đến năm 2021.

Liên quan đến vấn đề này UBND TP.HCM cũng vừa yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền các cấp theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian nhằm đáp ứng yêu cầu của một đô thị đặc biệt.

Theo UBND TPHCM, trong trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh nhân sự trong tổng số biên chế hiện có mà không được tăng thêm.

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế (trường hợp thành lập mới trường, tăng lớp, tăng quy mô giường bệnh…) thì có thể bổ sung nhân sự trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, giữ ổn định biên chế của các tổ chức, xã hội nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017 sẽ thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Ngoài ra các cơ quan, tổ chức phải tiếp tục thực hiện xây dựng Đề án tinh giản biên chế trong từng năm và 7 năm (2015 - 2021), trong đó đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế.

Các cơ quan, tổ chức cũng được yêu cầu chỉ tuyển mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản, và không quá 50% số đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc.

UBND TP cũng khuyến khích các nơi chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, từ đó thay vì nhận lương từ ngân sách đối tượng này sẽ nhận lương từ nguồn thu sự nghiệp.

UBND TP yêu cầu giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát trình độ, năng lực của công chức, viên chức để từ đó có kế hoạch sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu công việc.

Các đơn vị, tổ chức cũng cần đổi mới phương thức tuyển dụng, trong khi cơ chế đánh giá công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý, cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 56 cơ quan hành chính cùng gần 1.700 đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng khoảng 139.000 người.

Theo Infonet