TP.HCM: Những khó khăn rất lớn phải đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ sáng nay 13/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khó khăn vướng mắc phải đối mặt.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khó khăn vướng mắc phải đối mặt - Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khó khăn vướng mắc phải đối mặt - Ảnh: Huyền Mai

Kinh tế TP.HCM khởi sắc

Trong cuộc họp diễn ra tại UBND TP.HCM với Thủ tướng Chính phủ sáng 13/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã thực hiện tốt “mục tiêu kép", đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 25/04 được Kho bạc Nhà nước Thành phố xác nhận là 4.690,977 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt là 13,1% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (35.749,218 tỷ đồng) cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4 tháng 2020 chỉ đạt 10,8%). Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là 187,625 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% tổng kế hoạch vỗn giao (3.827,683 tỷ đồng); Vốn ngân sách thành phố giải ngân là 4.503,352 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,1% tổng kế hoạch vốn giao (31.921,535 tỷ đồng).

TP.HCM có 11.617 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 210.285 tỷ đồng (tăng 3,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 41,18% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); 5.588 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ.

Vấn đề thu ngân sách thành phố có nhiều điểm khả quan, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 140.300,477 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 101.492,814 tỷ đồng, đạt 39,51% dự toán, tăng 14,47% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 35,93% dự toán, tăng 19,38% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 19.165,920 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.811,012 tỷ đồng, đạt 15,18% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố thông qua (dự toán là 38.289,156 tỷ đồng); chi thường xuyên 11.591,836 tỷ đồng, đạt 24,19% dự toán (dự toán là 47.925 tỷ đồng).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM 4 tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 4 tháng năm 2021 tăng 11,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,7%), cao hơn 2,0 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành. Đây là tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế TP.HCM giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19.

Toàn cảnh cuộc họp đang diễn ra tại UBND TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Toàn cảnh cuộc họp đang diễn ra tại UBND TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Chú trọng kiểm soát dịch bệnh

Nhấn mạnh các yếu tố nguy cơ có thể gây bùng dịch tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng trong giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính”, TP.HCM quyết liệt, mạnh mẽ chống dịch Covid -19”, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nói.

Trình bày với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra một số giải pháp về phòng chống dịch trong thời gian tới. Cụ thể, kích hoạt toàn bộ các Bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, đồng thời tăng cường hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; kiểm soát chặt công tác nhập cảnh.

“Xét nghiệm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng các đối tượng có nguy cơ cao. Hoàn thiện và kiểm soát chặt các khu cách ly. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu người cách ly ra khỏi nhà” – Ông Phong nhấn mạnh.

“Phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng nhằm nắm thông tin kịp thời và có biện pháp ngăn chặn. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, lập các chốt kiểm soát trước khi vào TP.HCM kể từ 0 giờ ngày 15/5. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn TP.HCM lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 – 100 và 200 - 500 người nhiễm bệnh” – Ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 này là làm tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 này là làm tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Còn nhiều khó khăn lớn

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; triển khai Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, thực hiện từng giai đoạn số hoá, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố trong năm 2021 và giai đoạn 2021…

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Bên cạnh những thuận lợi, thế mạnh có được, TP.HCM còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thành phố”.

Cụ thể, ông Phong cho biết: “Sự quá tải về hạ tầng xã hội trên địa bàn TP.HCM đang ngày càng gia tăng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, sụt lún, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu. Các công trình văn hoá dù được TP quan tâm nghiên cứu, nhưng không đủ nguồn lực để triển khai”.

“Đặc biệt, TP.HCM có tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước, kể từ năm 2017, tổng chi giảm từ 23% xuống còn 18%, trong khi nhu cầu chi để đầu tư cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách đãi ngộ ngày càng tăng cao, gây áp lực lên ngân sách thành phố. Công trình dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn thì hạn chế” – Ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM đưa một số kiến nghị đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo những vấn đề khó khăn vượt quá tầm giải quyết của TP.HCM:

“Về phân cấp phân quyền cho TP.HCM, kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với TP.HCM và các Bộ, ngành trung ương. TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, 12 kịch bản điều tiết ngân sách theo phương pháp khoa học cho giai đoạn 2022-2025, đảm bảo đáp ứng được nếu Chính phủ vẫn giữ nguyên ngân sách 18% như mức hiện tại. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách cho thành phố cho giai đoạn 2022-2025 là 23%, tạo tiền đề cho TP.HCM phát triển nhanh hơn” – Ông Phong đưa ý kiến.

“Về đầu tư công giai đoạn 2021-2025, theo thông báo tháng 4/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì TP.HCM có vốn đầu tư công dự kiến là 156.463 tỷ đồng, trong đó có vốn từ nguồn ngân sách địa phương là 14.873 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 13.926 tỷ đồng. Qua rà soát, số vốn từ nguồn ngân sách địa phương là 14.873 tỷ đồng không đáp ứng được nhu cầu vốn cho các dự án ODA tại thành phố và các dự án vay sẽ ký kết trong giai đoạn tới. Nhu cầu cho các dự án ODA vào TP.HCM là hơn 43.391 tỷ đồng. Kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh lại mức vốn đầu tư công trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn của thành phố, có thể huy động được theo khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố”.

Với TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị: “Để TP Thủ Đức thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế với TP.HCM và khu vực phía Nam, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương xây dựng đề án cơ chế chính sách phù hợp đối với TP Thủ Đức”.

Trong 5 nhóm kiến nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết uỷ quyền cho phép UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung của thành phố tại một số vùng, khu vực, như xung quanh nhà ga Metro hay các đô thị đầu mối giao thông công cộng, một số khu vực như các Khu công nghệ cao và các dự án hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của thành phố”.