TP.HCM hợp nhất 2 Ban chỉ đạo về xây dựng đô thị thông minh và chính quyền điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo Quyết định 944 của UBND TP.HCM về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của thành phố, Ban chỉ đạo có Trưởng ban là ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố.

Gồm 23 thành viên, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của TP.HCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh và xây dựng Chính quyền điện tử thành phố.

Theo Quyết định 944 của UBND TP.HCM về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của thành phố, Ban chỉ đạo có Trưởng ban là ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố; Phó Trưởng ban Thường trực là ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Ngoài ra, còn có 2 Phó Trưởng ban là Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam và Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng.

Cũng gồm 23 thành viên, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của TP.HCM có Tổ trưởng là Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Quốc Cường; 2 Tổ phó là Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Thị Trung Trinh và Trưởng phòng Viễn thông, Tin học và Cơ yếu của Công an TP.HCM Lê Minh Hiếu.

TP.HCM hợp nhất 2 Ban chỉ đạo về xây dựng đô thị thông minh và chính quyền điện tử ảnh 1
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi ố của thành phố. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Ban chỉ đạo về chuyển đổi số TP.HCM có các nhiệm vụ: Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm triển khai Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số của thành phố; Nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy triển khai Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số của thành phố...

Một trong những nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số TP.HCM là xây dựng và tham mưu Ban chỉ đạo chương trình, kế hoạch triển khai Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số của thành phố.

Trong năm 2021, thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, đã có trên 900 đơn vị của hệ thống chính quyền thành phố liên thông văn bản điện tử qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Hạ tầng mạng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn. Trong năm ngoái, TP.HCM xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự của TP.HCM cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Trong kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” và Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” năm 2022, UBND thành phố đã xác định rõ mục tiêu thúc đẩy xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số với các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 gồm: 85% người dân có smartphone; 70% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; tăng 10% tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết; kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố...

Để đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới, ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1619 kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đến ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Theo Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đến ngày 20/3, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số.

Theo ICTNews