TP.HCM hơn 9.416 bệnh nhân, triển khai nhiều bệnh viện dã chiến, 17.000 giường điều trị COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng 9 /7, Bộ Y tế công bố TP.HCM có thêm 350 ca nhiễm mới, tổng số hơn 9.416 bệnh nhân, TP gấp rút triển khai nhiều bệnh viện dã chiến, có 17.000 giường điều trị COVID-19.
Bệnhh viện Dã chiến số 1 - Ảnh: SYT TP.HCM
Bệnhh viện Dã chiến số 1 - Ảnh: SYT TP.HCM

Hơn 9.416 bệnh nhân đã được công bố

Tính từ 18 giờ ngày 8/7 đến 6 giờ ngày 9/7, TP.HCM ghi nhận thêm 350 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 9/7 (BN24460-BN24809). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có hơn 9.416 ca mắc COVID-19.

Trong 350 trường hợp nhiễm mới được công bố sáng nay, gồm 307 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 43 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Bản tin tối 8/7 của Bộ Y tế cho biết tổng số ca mắc trong ngày là 1.314, trong đó TP.HCM nhiều nhất với 915 ca (BN23152-BN23385, BN23386-BN23585, BN23834-BN24314).

915 trường hợp nhiễm mới trong ngày 8/7 bao gồm 848 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 67 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Bộ Y tế khuyến nghị 3 hình thức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM tương ứng với 3 vòng cách ly: Vòng chung là giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên địa bàn toàn thành phố; vòng thứ 2 là vùng cách ly y tế, phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và vòng thứ 3 là vùng cách ly tập trung, tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Thành phố có thể linh hoạt áp dụng 3 vòng phong tỏa và phải gắn kết chặt chẽ với phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố lân cận để dịch bệnh được khống chế sớm nhất có thể. Vì phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ cho thành phố, mà còn có yếu tố quyết định đến sự thành công trong công tác chống dịch của cả nước.

Giãn cách toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 - Nguồn: HCDC
Giãn cách toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 - Nguồn: HCDC

Áp dụng Chỉ thị 16 khác với các Chỉ thị trước thế nào?

Kể từ 0 giờ ngày 9/7, TP.HCM đã bước vào ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chiều tối hôm qua, rất đông người dân đổ về các cửa ngõ TP, nhưng hầu hết đều phải quay đầu, không thể về quê vì không có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

TP đã dừng tất cả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô trên địa bàn, trừ trường hợp công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly và xe taxi phục vụ vận chuyển người dân đến, đi từ Bệnh viện, Trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.

Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm” kiểu truyền thống. Riêng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô được phép hoạt động bình thường.

Giải thích về việc cấm bán hàng mang về, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại cuộc họp báo khẩn cấp tối 8/7 thông tin, do hình thức này thường xuyên có nhiều shipper xếp hàng đợi lấy đồ ăn mang đi sẽ không đảm bảo giãn cách xã hội không tập trung trên 3 người, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục lây lan dịch bệnh COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi với báo chí
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi với báo chí

Áp dụng Chỉ thị 16, các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào, đi ngang TP.HCM phải thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4658/TCĐBVN-VT ngày 08/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công văn số 7030/SGTVT-KT ngày 08/7/2021 của Sở Giao thông Vận tải. Lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải được xét nghiệm SARS-CoV-2.

Dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). Bến phà Bình Khánh, Cát Lái vẫn duy trì hoạt động và vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa.

Tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TP.HCM, và hạn chế lên bờ đối với phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa.

Kể từ 0h ngày 9/7, hàng ngày các hãng hàng không chỉ được vận chuyển tối đa 1.700 khách trên đường bay TP HCM - Hà Nội mỗi chiều.

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà không có lý do chính đáng trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 tại TP.HCM để phòng ngừa COVID-19.

TP.HCM có 17.000 giường điều trị COVID-19

Thành phố đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tương ứng tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng, có hoặc không có kèm bệnh lý nền (tương ứng tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.

Chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) chính thức tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vào điều trị - Ảnh: H.L
Chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) chính thức tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vào điều trị - Ảnh: H.L

Thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID-19 với kịch bản 15.000 ca mắc trên địa bàn thành phố, Sở Y tế cho hay, TP.HCM vừa có thêm 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với tổng quy mô 12.000 giường đi vào hoạt động.

Các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc (F0) hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp), tương ứng tầng 1 của hình tháp, để giảm tải cho các Bệnh viện đã chuyển đổi công năng chuyên điều trị COVID-19.

Thông tin từ Sở Y tế cho biết, cả 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia (BV Dã chiến số 1), khu nhà tái định cư của Thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá (BV Dã chiến số 2 - khu nhà tái định cư ở quận 12, BV Dã chiến số 3 - khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức, BV Dã chiến số 4 - khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh). Để có thể nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở hạ tầng sẵn có trở thành và sớm đi vào hoạt động, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thành phố, Ban Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP.HCM dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.HCM.

Hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng với hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu và xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các bệnh viện dã chiến để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 ở tầng 2 hoặc tầng 3. Ngoài ra, Trung tâm Cấp cứu 115 còn được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe vận chuyển chuyên dùng phục vụ chống dịch COVID-19 đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị.

Điều trị COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: SYT
Điều trị COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: SYT

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các Trung tâm Y tế quận, huyện dễ dàng và nhanh chóng chọn bệnh viện dã chiến nào phù hợp (còn sẵn giường trống) để chuyển ngay các trường hợp F0 vừa mới phát hiện, Sở Y tế sẽ tạo dựng công cụ dashboard về tình hình sử dụng giường tại các bệnh viện dã chiến và các Bệnh viện được phân công điều trị COVID-19. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện dã chiến và các Bệnh viện điều trị COVID-19 thường xuyên cập nhật tình hình sử dụng giường lên dashboard, các Trung tâm y tế chịu trách nhiệm theo dõi dashboard để chọn Bệnh viện phù hợp và nhanh chóng liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh F0 đến các Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19.