TP.HCM: Hơn 108.000 ca nhiễm COVID-19, test nhanh và vaccine có phải lời giải?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM đã ghi nhận hơn 108.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 2.000 ca tử vong, liệu test nhanh và vaccine có phải lời giải cho giai đoạn ngặt nghèo này?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin về số ca bệnh COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: Khang Minh
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin về số ca bệnh COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: Khang Minh

Test nhanh phải được Bộ Y tế khuyến cáo

Ngày 5/8/2021, lãnh đạo UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo chí thành phố. Tại cuộc họp, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca nhiễm trong cộng đồng thống kê từ ngày 27/4 đến nay đã được Bộ Y tế công bố là hơn 108.000 ca (chính xác là 108.370 trường hợp).

Với tổng số ca nhiễm rất lớn nói trên, tính đến ngày 5/8, tại các bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM phân công điều trị COVID-19, số bệnh nhân đang điều trị là 33.378 trường hợp. Trong đó, 2.070 người bệnh đang được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca bệnh nặng. Trong 1.331 bệnh nhân nặng, có 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca sử dụng ECMO. Số ca tử vong tại TP.HCM tính đến nay đã vượt trên 2.000 ca (chính xác theo Sở Y tế là 2.105 trường hợp), chiếm tỉ lệ 1,94%) số ca nhiễm.

BS Nguyễn Hữu Hưng cho hay, hiện nay, tại TP.HCM có 193 cơ sở cách ly F0, phân bố tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng 1 với 53.617 giường. Từ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn toàn thành phố có 55 cơ sở (bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng 1 phần hoặc toàn bộ sang điều trị COVID-19). Sở Y tế cho hay, từ tầng 2 trở đi (trong mô hình tháp điều trị 5 tầng), có 16 bệnh viện dã chiến thu dung, tầng 3 gồm 20 bệnh viện, tầng 4 có 15 bệnh viện và tầng 5 gồm 4 bệnh viện.

Thông tin về số liệu bệnh nhân đang điều trị tại các tầng, theo Sở Y tế, số bệnh nhân hiện tại của các tầng là 33.378 trường hợp. Trong đó, tầng 2 đã tiếp nhận 23.305 bệnh nhân, tầng 3 có 4.385 người bệnh, tầng 4 gồm 4.238 ca, tầng 5 đang điều trị 1.450 trường hợp.

Thời gian gần đây, nhiều F0 thắc mắc về test nhanh dự phòng có thể sử dụng tại nhà, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo chỉ nên mua các sản phẩm nằm trong danh mục Bộ y tế ban hành.

16 loại test nhanh kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép - Ảnh: HCDC
16 loại test nhanh kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép - Ảnh: HCDC

“Hiện nay có 2 cách test nhanh là test kháng thể (lấy mẫu xét nghiệm bằng máu) và test nhanh kháng nguyên (lấy mẫu xét nghiệm bằng dịch hầu). Trong đó, test nhanh kháng nguyên phổ biến trên thị trường với cách sử dụng khá đơn giản. Người dân hoàn toàn có thể tự test tại nhà. Tuy nhiên, độ chính xác test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu, do đó người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi thực hiện test. Bên cạnh đó, cần thận trọng khi mua sản phẩm test nhanh để đảm bảo chất lượng. Hiện tại, test nhanh có bán tại các cửa hàng trang thiết bị y tế hoặc hiệu thuốc được cấp phép bán trang thiết bị y tế, người dân chỉ nên mua các sản phẩm nằm trong danh mục Bộ y tế ban hành và mua ở nơi được cấp phép” – Sở Y tế đưa hướng dẫn.

Trước thắc mắc của cư dân tại nhiều vùng phong toả về việc tự test nhanh ra kết quả dương tính với COVID-19, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý: “Khi người dân thực hiện test nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì cần bình tĩnh liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ. Nếu âm tính thì cũng không nên chủ quan vì vẫn có xác xuất sai số nhất định, cần tiếp tục tuân thủ biện pháp 5K để đảm bảo phòng chống dịch. Với trường hợp có triệu chứng của COVID-19, ngay cả khi test nhanh có kết quả âm tính thì vẫn cần liên lạc với cơ sở y tế để được theo dõi thêm”.

Đề nghị 5,5 triệu liều vaccine cho người dân

Trước thực tế đối diện với số ca nhiễm quá lớn, TP.HCM xác định hai vấn đề chính cần tập trung giải quyết, đó là công tác tiếp nhận điều trị và sức ép đối với đời sống của người dân.

Tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ ra 2 vấn đề mà ban chỉ đạo và các cấp lưu tâm tập trung. Thứ nhất là công tác tiếp nhận điều trị, thực tế cho thấy, số lượng người cần điều trị và chuyển nặng đều tăng, trong khi nguồn lực và cơ sở vật chất có hạn, dẫn đến áp lực ngày càng lớn. Trong đó, tầng 3 và 4 của tháp điều trị là tầng chịu áp lực lớn nhất.

Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đang tập trung tổ chức lại, phối hợp tốt hơn, cải tiến quy trình để mở rộng không gian tiếp nhận, bên cạnh đó liên thông các tầng để tối ưu việc điều trị. Những giải pháp được cập nhật hàng ngày, không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực tiếp nhận điều trị tại các cơ sở.

Vấn đề thứ 2 là sức ép đối với đời sống của người dân khi thực hiện giãn cách kéo dài, các dịch vụ kinh doanh dừng hoạt động, người dân không có thu nhập hoặc tích lũy cạn kiệt. Về vấn đề này, TP.HCM đang tập trung huy động các nguồn lực và đưa ra các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Quận 8 (TP.HCM) tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người dân vào ban đêm tại khuôn viên chung cư Giai Việt, nơi cư trú của 2.000 người dân. Ảnh: HCDC
Quận 8 (TP.HCM) tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người dân vào ban đêm tại khuôn viên chung cư Giai Việt, nơi cư trú của 2.000 người dân. Ảnh: HCDC

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tất cả người dân có mặt tại TP.HCM lúc này đều sẽ được hỗ trợ không chỉ 1 tuần mà nhiều tuần. Thành phố sẵn sàng trích quỹ dự trữ để hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Về vaccine COVID-19, TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ đề nghị phân bổ thêm 5,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân trong tháng 8 (gồm 4,5 triệu liều mũi 1 và 1 triệu liều mũi 2). Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn, TP.HCM cũng đề nghị người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine nào thì nên tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Riêng trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca đồng ý thì có thể phối hợp tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer.

Trước thực trạng hoang mang, lo lắng và cần được hỗ trợ y tế của các ca nhiễm mới COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm, TP.HCM đã thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thông qua đường dây nóng 093.9596.999, để hướng dẫn, tư vấn cũng như hỗ trợ sàng lọc các trường hợp cần được chăm sóc y tế. Theo đó, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly F0 của quận, huyện và các bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận các trường hợp đã được mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá, xác định thuộc nhóm nguy cơ.