TP.HCM: Hàng ngàn điểm bán hàng lưu động bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mấy ngày qua, TP.HCM đã bố trí hàng ngàn điểm bán hàng lưu động, 32 chợ được mở lại và hàng trăm siêu thị cung ứng đủ cung cấp thực phẩm thiết yếu tới người dân.
Hàng hoá trong các siêu thị ở TP.HCM đang dần bình ổn trở lại - Ảnh: Hoà Bình
Hàng hoá trong các siêu thị ở TP.HCM đang dần bình ổn trở lại - Ảnh: Hoà Bình

Gần 1.000 điểm bán hàng lưu động

Theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Nguyễn Nguyên Phương - vừa cho hay, chỉ riêng trong ngày 22/7/2021, TP.HCM đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận – huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.

Chi tiết, trong đó, Sở Công thương tổ chức 21 điểm với 31 lượt xe lưu động theo đề xuất của các quận huyện (quận 1: 1 điểm, quận 6: 1 điểm, quận 7: 2 điểm, quận 8: 2 điểm, Tân Bình: 4 điểm, Bình Thạnh: 3 điểm, Bình Tân: 3 điểm, Củ Chi: 1 điểm, Tp.Thủ Đức: 4 điểm); với lượng hàng hóa bán trong ngày gồm 07 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 11.000 quả trứng.

Viettel Post tổ chức 34 điểm bán với 34 lượt xe với lượng hàng hóa là 11 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, đồ khô…). VN Post tổ chức 22 điểm bán với 22 lượt xe với lượng hàng hóa là 01 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 3.000 quả trứng.

Điểm bán hàng lưu động bình ổn giá rau củ ở TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn
Điểm bán hàng lưu động bình ổn giá rau củ ở TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn

Lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến ngày 22/7/2021, trong 12 ngày qua, TP.HCM đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận – huyện, Thành phố Thủ Đức và tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng.

Sở Công Thương cho hay, Sở đã tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện (quận 1: 9 điểm, quận 3: 7 điểm, quận 6: 5 điểm, quận 7: 35 điểm, quận 8: 11 điểm, quận 10: 4 điểm, quận 11: 3 điểm, quận 12: 13 điểm; Tân Bình: 19 điểm, Bình Thạnh: 41 điểm, Phú Nhuận: 2 điểm, Tân Phú: 2 điểm, Bình Tân: 16 điểm, Bình Chánh: 25 điểm, Nhà Bè: 2 điểm, Củ Chi: 10 điểm, Hóc Môn: 24, Thủ Đức: 32 - Các quận huyện không đăng ký bán hàng lưu động gồm: quận 4, quận 5, quận Tân Phú và huyện Cần Giờ) với 109 tấn hàng hóa và 110.700 quả trứng.

Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với 340 lượt xe hàng hóa là 256 tấn. VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe hàng hóa 50 tấn và 10.000 quả trứng.

Điểm bán hàng thiết yếu và cung cấp thực phẩm bình ổn giá tới người dân TP.HCM đang trong tâm dịch - Ảnh: Lê Toàn
Điểm bán hàng thiết yếu và cung cấp thực phẩm bình ổn giá tới người dân TP.HCM đang trong tâm dịch - Ảnh: Lê Toàn

Lãnh đạo TP.HCM đã có hướng dẫn lưu thông cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa mau hỏng như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh và các loại hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh có lộ trình đi vào/ra từ TP.HCM và quá cảnh qua địa bàn TP.HCM. Theo đó, nếu trường hợp chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành đang thực hiện Chi thị 16 thì không cần đăng ký cấp Giấy nhận diện phương tiện. Trường hợp từ các tỉnh, thành khác có lộ trình đi vào, đi ra vùng thực hiện Chỉ thị 16 và quá cảnh qua vùng thực hiện Chi thị 16 chỉ được cấp giấy nhận diện khi các phương tiện có lộ trình điểm đi, điểm đến hoặc quá cảnh qua địa bàn TP.HCM thông qua địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn.

Chợ truyền thống đảm bảo giãn cách

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm, trên địa bàn TP.HCM hiện có 32 chợ truyền thống đang được mở. Sở yêu cầu các chợ bắt buộc phải đảm bảo người dân khai báo y tế trực tuyến trước khi vào chợ và số lượng người vào đảm bảo giãn cách; yêu cầu bắt buộc tiểu thương phải đăng ký và đẩy mạnh bán hàng online mới được hoạt động.

Người dân được phát phiếu đi chợ, tối đa một hộ chỉ được phát 15 phiếu, đảm bảo đi chợ (siêu thị) mỗi 2-3 ngày/ 1 lần.

Ngày hôm nay, nhiều rau xanh đã được nhập trở lại đầy đủ trong các siêu thị TP.HCM - Ảnh: Hoà Bình

Ngày hôm nay, nhiều rau xanh đã được nhập trở lại đầy đủ trong các siêu thị TP.HCM - Ảnh: Hoà Bình

TP.HCM hiện có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó có 202 chợ truyền thống và 03 chợ đầu mối). Ngày 21/7/2021 ngưng hoạt động 01 chợ so với ngày 20/7 (chợ An Hội – Quận Gò Vấp) do liên quan ca nhiễm tại chợ.

Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: Quận 5: Chợ Nguyễn Tri Phương (ngày 1/7/2021), chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương (ngày 17/7/2021); Quận 11: chợ Bình Thới (ngày 09/7/2021), chợ Phú Thọ (ngày 16/7/2021); Quận Bình Tân: chợ Kiến Thành (ngày 19/7/2021); Huyện Bình Chánh: chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (ngày 19/7/2021).

Riêng Quận 12, có 2 UBND phường triển khai cho các tiểu thương tổ chức gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên các tuyến đường rộng.

Cụ thể, phường Tân Thới Nhất: Ban Quản lý chợ Lạc Quang tổ chức thực hiện gian hàng lưu động dọc tuyến đường Dương Thị Giang, đoạn qua dự án 36,2 ha thuộc Khu phố 4 phường Tân Thới Nhất Quận 12. Số lượng: 20 gian hàng nhu yếu phẩm (có thể tăng, giảm tùy theo điều kiện); Phường Tân Hưng Thuận: các thương nhân tổ chức bán hàng, địa điểm: giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương.

Chỉ còn một số mặt hàng vẫn đang tạm hết, nhưng cơ bản các thực phẩm thiết yếu đều có đủ nguồn cung tới người dân - Ảnh: Hoà Bình

Chỉ còn một số mặt hàng vẫn đang tạm hết, nhưng cơ bản các thực phẩm thiết yếu đều có đủ nguồn cung tới người dân - Ảnh: Hoà Bình

Huyện Củ Chi sử dụng khu vực sân bóng xã Hòa Phú (19/7/2021) tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh (10 hộ), tổ chức lối ra vào theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Khu vực xã Bình Mỹ (19/7/2021) hộ kinh doanh trên địa bàn phường tổ chức kinh doanh (10 hộ), tổ chức lối ra vào theo hướng 1 chiều.

Sở Công thương cũng cho biết TP.HCM đã bắt đầu thí điểm sử dụng App Đặt lịch đi chợ dành cho người dân (chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12) và mô hình Tổng đài đặt lịch đi chợ (thí điểm tại chợ Bình Thới, quận 11). Sau thí điểm, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình ra toàn thành phố. Ngoài hai hệ thống quản lý đi chợ trực tuyến này của TP, Sở Công thương đưa ra khuyến cáo, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đẩy mạnh các nhóm đi chợ online, đi chợ thay, đi chợ hộ hoạt động trực tuyến để đảm bảo không tụ tập đông người nơi công cộng.

Để cùng TP.HCM vượt qua đợt dịch lần này, khôi phục và phát triển kinh tế, UBND TP.HCM kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, Thông điệp 5K, đảm bảo giãn cách, chế nhiều hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.