TP HCM đề xuất xây cầu dây văng 5.700 tỷ đồng nối với Đồng Nai

VietTimes – Nếu được chấp thuận xây dựng, cây cầu có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng nối TP HCM với Đồng Nai sau khi hoàn thành sẽ thay thế phà Cát Lái, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP HCM đề xuất xây cầu dây văng 5.700 tỷ đồng nối với Đồng Nai

UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo đề xuất, cầu Cát Lái có chiều dài toàn tuyến khoảng 4km (riêng phần cầu khoảng 3,4km). Cát Lái là cầu dây văng có tĩnh không 55m, tối thiểu 4 làn xe. Điểm đầu cầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu (phía Đồng Nai) khoảng 1,2km thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.

Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.

Được biết, hiện nay nhu cầu vận tải qua Cảng Cát Lái ngày càng tăng cao. Vào các dịp nghĩ lễ, phà Cát Lái được người dân TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu chọn làm hướng di chuyển qua lại nhằm rút ngắn khoảng cách nên thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc trên các tuyến kết nối Cảng Cát Lái và bên đầu huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Theo đơn vị quản lý phà Cát Lái, bến phà chỉ cho phép loại xe từ 8 tấn trở xuống qua phà. Mỗi ngày bến phà đưa đón khoảng 50.000 lượt khách, cao điểm lễ tết từ 82.000-85.000 lượt.

UBND TPHCM cho biết, khi hoàn chỉnh công trình cầu thay phà Cát Lái hiện hữu sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng theo tác động tương hỗ với sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực, kéo giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông của khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước đó, trong tháng 4/2016, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn gửi UBND TPHCM cho biết ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây cầu thay phà Cát Lái theo hình thức Hợp đồng BOT. Sau đó, một công ty xây dựng cũng có tờ trình Thành ủy và UBND.TP đề xuất thực hiện dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP).