TP.HCM bỏ quy định bán đến 22 giờ, nhiều hàng quán vẫn chưa dám mở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày hôm qua, TP.HCM đã bỏ quy định bán đến 22 giờ hàng ngày nhưng thực tế là nhiều hàng quán vẫn chưa dám mở cửa trở lại.
Rửa tay cho thực khách trước khi vào nhà hàng thưởng thức đồ ăn. Ảnh: HB
Rửa tay cho thực khách trước khi vào nhà hàng thưởng thức đồ ăn. Ảnh: HB

Tiếp tục thí điểm hàng quán mở cửa

UBND TP.HCM ngày hôm qua có văn bản gửi các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12. Xét đề xuất của Sở Công Thương, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động; bỏ quy định các cơ sở kết thúc hoạt động trước 22h hàng ngày.

Với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch 1 và 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới.

Với địa bàn được đánh giá cấp độ 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.
Với địa bàn được đánh giá cấp độ 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống có phục vụ đồ uống có cồn; xử lý nghiêm đối với những trường hợp không chấp hành đúng quy định trong phòng, chống dịch COVID-19, kết họp triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP Thủ Đức và ủy ban nhân dân các quận - huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương trước ngày 31/12/2021 để Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND TP.

Đo thân nhiệt cho khách vào nhà hàng, kiểm tra khai báo y tế, thẻ xanh COVID-19. Ảnh: HB
Đo thân nhiệt cho khách vào nhà hàng, kiểm tra khai báo y tế, thẻ xanh COVID-19. Ảnh: HB

Qua giai đoạn thí điểm vừa rồi, số liệu từ Sở Công Thương cho biết trong 15.764 cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP.HCM, có 9.796 đơn vị hoạt động lại (62%) và 3.732 cơ sở phục vụ đồ uống có cồn (38%); giúp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng thu ngân sách; tạo công ăn việc làm; giảm áp lực tâm lý cho người dân.

Tuy nhiên, Sở Công thương cũng đưa ra hạn chế là trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện tại, nhiều cơ sở chưa đảm bảo khoảng cách 2 m, chưa đăng ký mã QR theo yêu cầu của TP hoặc chưa quét mã QR của khách hàng; chưa xây dựng phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống cùng thời điểm…

Nhiều nhà hàng chưa dám mở lại

Trao đổi với VietTimes, nhiều chủ nhà hàng cho biết họ đã phải đóng cửa 4/5 số cửa hàng trong chuỗi cửa hàng, hiện tại còn chưa thể mở cửa trở lại. Ông Harry Ang, chủ của chuỗi nhà hàng Lion City cho hay, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, doanh thu của Lion City đã giảm tới 70% trong khi tiền thuê mặt bằng tại các vị trí trung tâm như quận 1 của TP.HCM quá đắt đỏ.

Phố đi bộ Bùi Viện nhà hàng vẫn đang đóng cửa. Ảnh: Hoà Bình
Phố đi bộ Bùi Viện nhà hàng vẫn đang đóng cửa. Ảnh: Hoà Bình

“Riêng với chi phí thuê mặt bằng, kể cả không phải bối cảnh đại dịch thì vốn dĩ đã là bài toán khó giải đối với doanh nghiệp, nay càng trở thành gánh nặng. Các địa điểm trung bình một nhà hàng Lion City đã thuê đều phải chi phí từ 200-250 triệu đồng/tháng. Lion City đã đóng cửa tới 4/5 nhà hàng thuộc chuỗi, trả mặt bằng lại cho chủ sở hữu, chỉ giữ lại 1 nhà hàng ở địa chỉ 45 Lê Anh Xuân (Quận 1) với 4 nhân viên phục vụ và vận hành. Tổng thiệt hại về tài chính trong suốt đại dịch ước tính khoảng 3 tỷ đồng” – Ông chủ Lion City trần tình.

Thời gian này, mặc dù TP.HCM cho phép bỏ quy định đóng cửa trước 22 giờ hàng ngày nhưng đối với hệ thống Lion City vẫn không thể mở cửa trở lại mà ông chủ bắt buộc phải tìm lối đi khác cho việc kinh doanh.

Nhiều hệ thống nhà hàng chay, quán phở, đặc sản Hà Nội trên địa bàn TP.HCM đã không thể mở cửa trở lại sau dịch. Trên nhiều con phố, vẫn là những tấm biển cho thuê địa điểm treo trên cánh cửa đóng im ỉm.

Những cảnh cửa đóng im lìm sau đại dịch trên rất nhiều con phố. Ảnh: Hoà Bình

Những cảnh cửa đóng im lìm sau đại dịch trên rất nhiều con phố. Ảnh: Hoà Bình

Gà sốt cay Hàn Quốc Miss Korea đã chuyển sang bán online hoàn toàn thay vì phương thức nhà hàng truyền thống. Ảnh: Hoà Bình
Gà sốt cay Hàn Quốc Miss Korea đã chuyển sang bán online hoàn toàn thay vì phương thức nhà hàng truyền thống. Ảnh: Hoà Bình

Trao đổi với VietTimes, chị Hồng Thị Gấm, chủ nhà hàng Miss Korea, một thương hiệu đắt khách trước đại dịch cho hay chị không có ý định mở lại nhà hàng do đại dịch đã lấy mất của bà chủ khoảng 2 tỷ đồng. Quãng thời gian đại dịch căng thẳng nhất, chị Hồng Thị Gấm đã chuyển đổi hoàn toàn nhà hàng Miss Korea lên online.

“Miss Korea có bán online trên tất cả các App cho bán đồ ăn như Grab Food, Go Jek, Go Food, Shopee, BEAMIN… Hiện tại, tôi còn duy trì một nhóm đầu bếp để chế biến theo đơn. Những ngày cuối tuần như thế này, đơn rất đều, thường cũng được vài chục đơn một ngày. Trong tuần thì bán rải rác nhưng thu nhập cũng ổn định, đủ duy trì, mà lại đỡ tiền thuê mặt bằng. Bây giờ thành phố cho phép mở lại hoàn toàn, nhưng tôi vẫn e ngại dịch có thể bùng lên lần nữa. Vả lại, bán online thì không phải lo chuyện mấy giờ được mở, mấy giờ phải đóng, khách có tuân thủ 5K hay không… Tăng mua bán online cũng giúp giảm lây nhiễm khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện tại” – Hồng Thị Gấm nói.