TP.HCM: 137 dự án bất động sản phải tạm ngưng và hết hạn thi công

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thành phố hiện có đến 137 dự án bất động sản phải tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Chưa kể, 52 dự án vẫn chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
TP.HCM: 137 dự án bất động sản phải tạm ngưng và hết hạn thi công

Báo cáo tổng kết quý 1/2016 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy thị trường bất động sản TP.HCM đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong tất cả các phân khúc, trên địa bàn các quận, huyện.

Mặc dù vậy, thị trường bất động sản thành phố đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đáng lo ngại. Thị trường đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp. Số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.

Toàn thành phố hiện có 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), bao gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, 231 dự án đã khởi công xây dựng. Trong số này, có 51 dự án đang ngưng thi công với quy mô 28.312 căn và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).

Đáng chú ý, hiện tại TP.HCM có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Theo HoREA, các dự án này là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án nếu có chính sách và cơ chế phù hợp.

Chưa kể, thành phố còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng, trong đó, có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được.

“Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, HoREA nhận định.

Trong khi đó, về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng, đến ngày 10.3, các ngân hàng đã ký cam kết cho vay là 30.122 tỉ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỉ đồng (đạt 71%).

Riêng tại TP.HCM, tính đến ngày 31.3.2016, các ngân hàng đã cam kết cho vay 7.518 tỉ đồng (chiếm 25% gói tín dụng ưu đãi) cho 8.936 khách hàng (trong đó, có 5.975 tỉ đồng cho 9.823 cá nhân vay) và đã giải ngân được 5.357 tỉ đồng cho 8.936 khách hàng (trong đó, có 4.242 tỉ đồng cho 8.829 cá nhân).

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong các quý tiếp theo, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền. Đồng thời, có sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là đón đầu hiệp định TPP.

Không những vậy, nguồn cung tăng và áp lực đảm bảo tính thanh khoản, áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cả sẽ hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng.

Theo Một thế giới