Toyota tham vọng đưa robot vào từng ngôi nhà Nhật Bản

Toyota Motor đã bán đủ số xe để mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản đều có một chiếc. Giờ đây, hãng muốn đưa robot vào từng ngôi nhà.
Robot T-HR3 của Toyota, nặng 75kg và cao 1,5m, đang cầm một quả bóng. Ảnh: Reuters.
Robot T-HR3 của Toyota, nặng 75kg và cao 1,5m, đang cầm một quả bóng. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, Toyota nổi tiếng với dây chuyền lắp ráp tự động và cho rằng trong tương lai không xa, robot sẽ vượt ra ngoài phạm vi nhà máy, trở thành “người bạn” của mọi nhà. Robot sẽ giúp việc tại gia, thậm chí là trở thành người đồng hành trong xã hội mà hơn 1/4 dân số trên 65 tuổi và hàng triệu người cao niên khác đang phải sống đơn độc.

Máy móc đã trở nên thông minh hơn nhiều trong thập niên vừa qua. Dù vậy, mọi nỗ lực chế tạo một thứ có thể làm những công việc đơn giản như đưa quần áo vào máy giặt, hoặc mang đồ tạp phẩm đều vấp phải một vấn đề vật lý cơ bản: Robot càng mạnh thì càng nguy hiểm và nặng hơn.

Toyota hiện có 29 tỉ USD dự trữ tiền mặt, một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và một nhà phát minh được nể trọng: Gill Pratt. Ông Pratt là người đứng đầu nỗ lực phát triển công nghệ mới của hãng Nhật Bản. “Đây là doanh nghiệp có rất nhiều nguồn tài nguyên mà bạn không thể bỏ qua”, nhà phân tích Morten Paulsen thuộc hãng CLSA Japan Securities ở Tokyo, người theo dõi ngành công nghiệp robot nhiều thập niên qua, cho hay. 

Robot hình người

Toyota tham vọng đưa robot vào từng ngôi nhà Nhật Bản - ảnh 1

Robot T-HR3. Ảnh: Bloomberg.

Toyota thử nghiệm robot trễ nhất là từ năm 2004, thời điểm hãng cho ra mắt robot hình nhân với môi, phổi nhân tạo và ngón tay có thể di chuyển như con người. Từ khi tung ra robot này, nghiên cứu về công nghệ tự động hóa trở nên thiết thực hơn tại Toyota.

Robot hình người mới nhất của hãng là T-HR3. Nó có thể được điều khiển từ xa thông qua nhiều bộ điều khiển đeo được, với kính bảo hộ cho phép người dùng nhìn qua đôi mắt camera của robot. Thiết bị này một ngày nào đó có thể đóng vai trò làm tay, chân cho bệnh nhân liệt giường, hoặc là người thay thế cho nhân viên cứu trợ tại các điểm xảy ra thảm họa.

Năm 2015, Toyota chi hàng tỉ USD để mở Viện Nghiên cứu Toyota ở Thung lũng Silicon. Năm ngoái, hãng thành lập quỹ 100 triệu USD để đầu tư vào nhiều start-up và công nghệ robot mới. Năm nay, hãng tái cấu trục bộ phận Partner Robot để tăng tốc độ ra quyết định và rút ngắn thời gian phát triển.

Giám đốc cấp cao Toyota Keisuke Suga cho biết tại diễn đàn công nghiệp diễn ra ở trụ sở Toyota City gần đây, rằng nội bộ doanh nghiệp cố gắng thúc đẩy tiến độ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, con đường làm robot của Toyota cũng có thất bại. Năm 2011, hãng biểu diễn cỗ máy nâng bệnh nhân lên và xuống giường, song kỹ sư chỉ mới thử nghiệm nó trên các tình nguyện viên khỏe mạnh vì nhận ra rằng người già và bệnh nhân yếu cần công cụ tinh tế hơn. Sản phẩm này sau đó bị xếp xó.

Rào cản pháp lý

Toyota tham vọng đưa robot vào từng ngôi nhà Nhật Bản - ảnh 3

Toyota Winglet Type L. của Toyota.

Một thiết bị khác là chiếc scooter cá nhân giống như của hiệu Segway, trông có vẻ đầy hứa hẹn trong các cuộc thử nghiệm, song lại không thể ra đường vì rào cản quy định. Thực tế, bên ngoài các nhà máy và nhà kho, có rất nhiều câu chuyện về những lời hứa dang dở của robot.

Đơn cử, Boston Dynamics, doanh nghiệp được thành lập bởi giới kỹ sư Viện Công nghệ Massachusetts, dành hơn 12 năm để phát triển máy móc tự động bốn chân song vẫn chưa thể thương mại hóa nó. Hầu hết trong số tiền 2,1 tỉ USD được người dùng chi hồi năm ngoái là cho robot tại gia đơn giản như máy hút bụi, máy cắt cỏ, không phải robot phức tạp kiểu khoa học viễn tưởng.

Toyota cho hay nhu cầu chăm sóc người cao niên sẽ thay đổi thực tế trên. Nhà sản xuất ô tô minh họa điểm này bằng một biểu đồ cho thấy Nhật Bản có kim tự tháp ngược về tuổi năm 2050. Khi đó, cứ mỗi ba lao động, sẽ có một người phải hỗ trợ người già. Cũng đến năm 2050, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo 22% dân số toàn cầu trên 60 tuổi.

Robot Hỗ trợ Con người hay Human Support Robot (HSR) là robot được Toyota cho là gần nhất với bước nhảy vọt từ phòng thí nghiệm sang phòng khách. HSR có tất cả các chức năng cơ bản, không rườm rà khi là một cánh tay có thể thu vào, duỗi ra được gắn trên bánh xe với màn hình trên đầu. “Đôi mắt” của nó là hai camera lớn, tạo cảm giác ít nhất nó có khuôn mặt thô sơ.

Ứng dụng AI

Toyota tham vọng đưa robot vào từng ngôi nhà Nhật Bản - ảnh 4

Robot HSR của Toyota.

HSR nặng bằng nửa tá quả bóng bowling, song chỉ có thể nâng vật nặng chừng 1,2 kg, tương đương một chai nước cỡ trung bình. Dù vậy, khi được cài phần mềm phù hợp, nó có thể làm một số thứ thú vị.

Với bản thử nghiệm được start-up AI Preferred Networks, đối tác của Toyota, tung ra mùa thu này, HSR có thể học vị trí của những quyển sách, cây bút hoặc vật dụng khác để trên kệ. Nó có thể dọn dẹp một căn phòng bừa bộn bằng cách dùng “đôi mắt cảm biến” và “bàn tay” gọng kìm của nó.

Toyota chưa cho biết khi nào robot giúp việc được tung ra thị trường, song cố vấn Masanori Sugiyama, cựu quản lý hàng đầu của chương trình robot Toyota, cho hay HSR có thể sẵn sàng cho các bệnh viện và viện dưỡng lão trong 2-3 năm tới. Nó đảm nhiệm tác vụ đơn giản như dọn dẹp hoặc phát thức ăn. Với máy có kỹ năng tối tân hơn, người dùng sẽ phải chờ lâu hơn.

“Máy móc cần phải hiểu con người đang nghĩ gì. Nó cần có sự đồng cảm. Ý tưởng ở đây là biến robot thành một người bạn”, ông Sugiyama nói.

Theo Thanh Niên