Du lịch Trung Quốc tại Đà Nẵng:

Tour “0 đồng” và những “góc khuất”

VietTimes – Tour giá rẻ đến bất ngờ, điểm mua sắm khép kín, thanh toán trực tuyến bằng máy POS, ngang nhiên trả tiền mặt bằng ngoại tệ,... là những gì ghi nhận được tại một số tour du lịch đưa khách Trung Quốc đến Đà Nẵng.
Khách Trung Quốc mua hàng tại các cửa hàng khép kín theo tour giá rẻ tại Đà Nẵng
Khách Trung Quốc mua hàng tại các cửa hàng khép kín theo tour giá rẻ tại Đà Nẵng

Và mặc dù đại biểu HĐND TP yêu cầu trả lời chất vấn các vấn đề liên quan, phóng viên phỏng vấn đề nghị cung cấp thông tin, nhưng Giám đốc Sở Du lịch cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm để từ chối trả lời các nội dung liên quan.

Tour “kín” của khách Trung Quốc

 Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 1.183.102 lượt, tăng 1,9% so với tháng 5/2018 và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.891.530 lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, lượng khách Châu Á đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6.067.235 lượt, tăng 132,7% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng khách đến từ Trung Quốc đạt cao nhất, với 2.568.842 lượt, tăng 136,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo sau là Hàn Quốc đạt 1.713.604 lượt, tăng 160,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo thống kê gần nhất của ngành du lịch Đà Nẵng, chỉ tính riêng trong dịp lễ 30/4 và 01/5/2018, tổng lượng khách đến Đà Nẵng đạt 355.547 lượt, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khách quốc tế đạt 101.634 lượt, tăng 20,2%, khách nội địa đạt 253.913 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt lượng khách quốc tế đến từ các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng rất mạnh khiến lượng khách trực tiếp đến Đà Nẵng trong dịp 30/4 và 01/5 bằng đường hàng không đạt 27.450 lượt khách, tăng tới 77,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Các cơ sở chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng di động
 Các cơ sở chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng di động 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch, dù lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam cao, nhưng lại là đối tượng chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế khác tại Việt Nam. Cụ thể là chỉ bằng hơn 60% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Chưa có thống kê chính thức về nguyên nhân khách Trung Quốc đến Việt Nam rất đông, tour mua sắm tại các cửa hàng khá nhiều, nhưng chi tiêu lại rất thấp như vậy… Nhưng với những gì diễn ra trong thời gian qua, cụ thể là tại Đà Nẵng, cũng có thể phần nào tìm được lý do chi tiêu của khách Trung Quốc tại Việt Nam thấp.

Theo chân một số đoàn khách Trung Quốc trong thời gian ở Đà Nẵng cho thấy, ngoài việc đi lại, ăn ở thì hầu hết các du khách Trung Quốc đều tham quan, mua sắm tại các điểm cửa hàng cố định, khép kín, việc thanh toán thực hiện bằng đồng ngoại tệ và trực tuyến qua máy POS (Point of Sale) - là máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ.

Không chỉ vậy, tại các điểm mua sắm này, ngoài hướng dẫn viên, chỉ có khách Trung Quốc vào bên trong mua sắm, khách Việt Nam hoàn toàn không được vào.

Chẳng hạn, sau khi đoàn khách Trung Quốc vào hết cửa hàng mua sắm, số khách này được giám sát rất chặt bởi hệ thống camera. Các cửa hàng còn bố trí cả nhân viên điểm mua sắm trà trộn với du khách, nhằm tránh việc ghi hình làm lộ hoạt động mua bán và giá bán các mặt hàng tại đây.

Theo một số hướng dẫn viên tiếng Trung, và những gì ghi nhận lại được từ các đoàn khách thì sau khi du khách được thuyết minh, giới thiệu sản phẩm thì du khách quyết định chọn mua sản phẩm bằng việc đặt hàng, thanh toán tiền sản phẩm qua mã số hàng hóa và số lượng. Đồng thời thanh toán bằng ngoại tệ và máy quét mã QR code.

"Chúng tôi chưa hề gặp trường hợp nào thanh toán bằng VNĐ, mà chủ yếu bằng ngoại tệ và bằng máy quét QR code của Weichat, Alipay được sử dụng trên smartphone. Giá các mặt hàng được bán hơn hẳn so với bên ngoài.

Khách Trung Quốc mua nhiều hàng lắm, nhưng hàng thì được cửa hàng chuyển trực tiếp về bên ấy cho khách, chứ du khách không đem về khi rời điểm mua sắm. Còn thanh toán thì họ quẹt thẻ, tiền cũng chuyển trực tiếp sang bên họ bằng máy quét QR của WeChat Pay hay Alipay” - một hướng dẫn viên tiết lộ.

Thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ
 Thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ

Điều này phần nào lý giải tại sao chi phí cho tour 6 ngày 5 đêm tham quan, ăn ở và di chuyển từ Hàng Châu (Trung Quốc) đến Đà Nẵng cùng vé máy bay khứ hồi Hàng Châu - Đà Nẵng chỉ khoảng 1.000 Nhân dân tệ (tương đương 3,7 triệu đồng) cho 1 khách, bằng 1/5 tour người Việt sang du lịch tại Hàng Châu. Thậm chí, mức chi phí này cũng bằng giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội - Đà Nẵng.

Đồng thời, điều này cũng phần nào lý giải chi tiêu ghi nhận của nhóm du khách Trong Quốc tại Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì lẽ, mọi thanh toán thực tế là thực hiện tại Trung Quốc, trong khi điểm bán hàng tại Việt Nam chỉ đóng vai trò giao dịch.

Khách Trung Quốc đi chơi, nhưng tiền lại thanh toán "quanh quẩn" ở Trung Quốc. Đó là phương thức kinh doanh sáng tạo làm lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng làm giảm mạnh hiệu quả kinh doanh du lịch của các quốc gia khác, không riêng Việt Nam. Đó là thực tế.

Vấn đề nhạy cảm, phải xin ý kiến mới trả lời

Liên quan đến vấn đề “tour 0 đồng” của du khách Trung Quốc, hướng dẫn viên chui..., tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX diễn ra vào đầu tháng 7/2018, đại biểu HĐND đã chất vấn Giám đốc Sở Du lịch TP liên... Song nội dung này không trả lời trực tiếp tại kỳ họp, mà được "xem xét" trả lời bằng văn bản. 

Nhân viên sử dụng máy POS cho khách thanh toán
 Nhân viên sử dụng máy POS cho khách thanh toán

Bên lề Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng, VietTimes đã đề nghị ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng trả lời về nội dung này. Tuy nhiên, ông Vinh từ chối trả lời phỏng vấn vì cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, cần xin ý kiến cấp trên mới có thể trả lời chính thức.

“UBND TP vừa có báo cáo yêu cầu Sở trả lời. Còn muốn tôi nói gì thì hỏi UBND TP. Vừa rồi chúng tôi ra họp ngoài Tổng cục Du lịch thì cũng đang chờ xin chủ trương của Bộ và Chính phủ” - ông Ngô Quang Vinh nói.

Tuy nhiên, ông Ngô Quang Vinh đã có chia sẻ nhất định về vấn đề này. Theo ông Vinh, nói chi tiêu của du khách “Tour 0 đồng” đến Việt Nam, nhất là du khách Trung Quốc, chi tiêu bằng 0 là không đúng.

Ông cũng và từ chối nội dung câu hỏi liên quan đến bản chất của “Tour 0 đồng”, địa phương hưởng lợi gì từ “Tour 0 đồng”, cũng như hệ lụy ra sao khi các chi tiêu được chuyển về nước sở tại. “Nói tính chất không chính thức thì tụi anh nói được, còn nói chính thức thì phải chờ ở trên. Vừa rồi liên quan đến nội dung này, họp ở Trung ương là họp không có tài liệu, chỉ nói miệng, tranh cãi nội bộ. Còn báo cáo thì Sở cũng đã có trình UBND TP, giờ muốn thì sẽ xin ý kiến UBND TP, UBND TP có chỉ đạo sao thì anh sẽ cung cấp. Em cũng thông cảm cho anh. Nếu không thì gửi câu hỏi đi, Sở sẽ chuẩn bị” - ông Ngô Quang Vinh nói.

Thanh toán hóa đơn mua hàng toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc
 Thanh toán hóa đơn mua hàng toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc

Lưu ý là, trước khi có cuộc trò chuyện Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, VietTimes cũng đã liên hệ và gửi câu hỏi phỏng vấn đối với lãnh đạo Sở Du lịch về vấn đề “Tour 0 đồng” và khách Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Về nội dung này, ông Ngô Quang Vinh nói: “Đang vướng chỗ đó, muốn trả lời thì tôi phải xin ý kiến Phó Chủ tịch UBND TP". Và "Em phải thông cảm cho bọn anh, chứ bọn anh cũng muốn phát ngôn chứ. Phải thông cảm cho bọn anh chứ, tụi anh sao trên Ủy ban được, anh đâu phải Chủ tịch mà muốn là trả lời. Bọn anh nắm trong tay thì trả lời được ngay, chỉ ngại là chờ xin chủ trương của UBND TP mới nói được. Ngay cả Tổng Cục Du lịch cũng phải chờ ý kiến của Bộ và Chính phủ. Khó như vậy đấy”.

“Khó là vì có nhiều quan điểm khác nhau, người thì kêu không tốt, người thì kêu tốt. Còn quan điểm thì anh có hết, nhưng anh đã trình UBND TP rồi thì UBND Tp phải cho chủ trương mới trả lời được, chứ anh không ngại gì cả” - ông Ngô Quang Vinh nói thêm.

Kỳ tiếp: Cơ quan chức năng Đà Nẵng nói gì?