Tổng thống Ukraine tuyên bố không loại trừ việc đánh Nga 10 năm với sự viện trợ của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào cuối tuần qua, Nga đã ra tối hậu thư yêu cầu đầu hàng nhưng phía Ukraine phớt lờ. Hai bên không đạt được tiến triển nào qua đàm phán trong một thời gian dài, các cuộc tiếp xúc cấp cao đã bị gián đoạn...  
Quân đội Nga đã kiểm soát hầu hết thành phố Mariupol. Tronh ảnh: một dân quân Donetsk thân Nga với một số vũ khí thu được của Quân đội Ukraine (Ảnh: AP).
Quân đội Nga đã kiểm soát hầu hết thành phố Mariupol. Tronh ảnh: một dân quân Donetsk thân Nga với một số vũ khí thu được của Quân đội Ukraine (Ảnh: AP).

Mariupol bị vây chặt, Nga đưa tối hậu thư, Ukraine phớt lờ

Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/4, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát hầu như tất cả các khu vực đô thị ở Mariupol, ngoại trừ Nhà máy thép Azovstal. Tuy nhiên, mốc thời gian đầu hàng do phía Nga đưa ra là "trước 13h ngày 17/4 giờ Moscow" đã bị phía Ukraine phớt lờ. Vài giờ sau khi hết thời hạn, Thủ tướng Ukraine Shmigal tuyên bố rằng lực lượng phòng thủ vẫn chưa đầu hàng và thành phố vẫn chưa thất thủ. Tính đến trưa ngày 18/4, vẫn chưa có thông tin chính xác về tình hình quân sự ở Mariupol.

Theo CNN, quân đội Nga hiện đang cấp thẻ thông hành ở Mariupol, và công dân khi ra ngoài thành phố phải có giấy thông hành. Quân đội Nga có thể phong tỏa thành phố này trong một tuần bắt đầu từ ngày 18/4 và tiến hành thanh lọc dân số trong thành phố.

Sau gần 2 tháng chiến tranh, thành phố Mariupol đã bị tàn phá nặng nề.

Sau gần 2 tháng chiến tranh, thành phố Mariupol đã bị tàn phá nặng nề.

Trở ngại đàm phán vẫn tồn tại, giới cấp cao hai bên đã không liên lạc với nhau trong một thời gian dài

Đã hơn nửa tháng kể từ cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3, nhưng kết quả đàm phán vẫn chưa thành hiện thực, tiến trình đàm phán liên tục gặp những trở ngại.

Vào ngày 17/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra một yêu cầu khác, nói rằng Ukraine sẵn sàng đàm phán về việc Ukraine từ chối gia nhập NATO và quy chế của Crimea, nhưng điều kiện là chỉ khi quân đội Nga hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine. Kết quả của cuộc đàm phán có khả năng là ký kết hai văn kiện: một về đảm bảo an ninh cho Ukraine, hai là hiệp định trực tiếp Ukraine-Nga.

Về vấn đề này, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng, phát biểu của Tổng thống Ukraine về cuộc đàm phán Nga-Ukraine là nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ NATO để câu giờ.

Ông Zelensky: nếu cần, Ukraine có thể đánh Nga 10 năm với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đồng minh phương Tây.

Ông Zelensky: nếu cần, Ukraine có thể đánh Nga 10 năm với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đồng minh phương Tây.

Đồng thời, ông Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 17/4 rằng do sự phản đối của xã hội Ukraine, cơ hội đàm phán thành công với Nga đang giảm đi mỗi ngày. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba nói rằng kể từ sau Sự kiện Bucha, việc nói chuyện với Nga trở nên "đặc biệt khó khăn", và các cuộc trao đổi ở cấp chuyên gia có thể tiếp tục, nhưng trong những tuần gần đây không có tiếp xúc cấp cao nào giữa Nga và Ukraine.

Ukraine tìm kiếm viện trợ từ phương Tây để "đánh Nga 10 năm"

Vào lúc xung đột tiếp tục, ông Zelensky tích cực qua lại với phương Tây, tìm kiếm các loại viện trợ khác nhau.

Về mặt quân sự, Anh cho biết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó bao gồm cả xe bọc thép. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen kêu gọi chuyển giao vũ khí cho Kiev càng sớm càng tốt, nói rằng "không nên có sự phân biệt giữa vũ khí hạng nặng hay hạng nhẹ" và Ukraine cần nhận được "những gì họ cần để phòng thủ, cũng như những thứ gì đó có thể sử dụng được".

Mỹ và NATO liên tục viện trợ vũ khí với số lượng lớn cho Ukraine .

Mỹ và NATO liên tục viện trợ vũ khí với số lượng lớn cho Ukraine .

Về kinh tế, Ukraine cũng đang tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ. Thủ tướng Ukraine dự kiến ​​thăm Washington vào tuần tới để tham gia các sự kiện do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức nhằm tìm kiếm hỗ trợ kinh tế. Theo ông, do các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, "mỗi tháng thâm hụt ngân sách khoảng 5 tỷ USD". Trước đó, Ukraine cũng kêu gọi phương Tây hủy nợ nước ngoài của Ukraine và thay thế các khoản vay bằng viện trợ miễn phí.

Vào ngày 17/4, khi trả lời phỏng vấn Đài CNN, được hỏi về triển vọng của các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, Tổng thống Zelensky chỉ ra rằng Ukraine tất nhiên muốn và sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga. Nhưng Ukraine không thể từ bỏ lãnh thổ của mình, đàm phán không thể tiến hành trên cơ sở "tối hậu thư" do Nga đưa ra.

Nếu Nga sẵn sàng đàm phán, Ukraine có thể ngay lập tức đi vào đàm phán. Vòng đàm phán tiếp theo diễn ra càng sớm càng tốt, kết quả đàm phán có thể tránh gây thêm thương vong. Nhưng nếu cần, Ukraine có thể đánh với Liên bang Nga trong 10 năm. Tất nhiên, điều này cần tiến hành với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đồng minh phương Tây.

Sau vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đàm phán Nga-Ukraine sa vào bế tắc

Sau vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đàm phán Nga-Ukraine sa vào bế tắc

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức 24h của Ukraine, Oleg Ustiko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, thừa nhận rằng đích thân Tổng thống Zelensky đã đề nghị Nhóm G7 cung cấp viện trợ tài chính 50 tỷ USD.

Cách đây không lâu, ông Zelensky cho biết chính quyền Kiev cần có 7 tỷ euro mỗi tháng cho các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội và cấp phát tiền lương, đồng thời hy vọng rằng các đồng minh phương Tây sẽ giúp đỡ và tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine.

Nga xác nhận tin của dân quân Donbas, nói người chỉ huy lữ đoàn 36 Ukraine thiệt mạng trong trận chiến phá vòng vây ở Mariupol

Cách đây không lâu, lực lượng dân quân Donbas thân Nga đã đưa ra tin tức nói, vào đêm qua Vladimir Baranyuk, chỉ huy của Lữ đoàn 36 lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine, đã thiệt mạng khi cố gắng phá vây ở nhà máy Ilyich ở Mariupol.

Eduard Basourin, phát ngôn viên chính thức của lực lượng dân quân vũ trang này cho biết Baranyuk đã phá vây cùng với khoảng 100 người vào thời điểm đó, và các binh sĩ của lực lượng dân quân Donbas chuyên theo dõi chỉ huy lữ đoàn Ukraine, đã ngăn chặn vụ phá vây. Trong cuộc giao tranh, khoảng 50 binh sĩ Ukraine, bao gồm 5 sĩ quan cấp cao, đã bị chết và 42 người khác đầu hàng. Khi kiểm tra hiện trường trận chiến, người ta đã tìm thấy thi thể của Đại tá Baranyuc, đồ dùng cá nhân và vũ khí của ông.

Đại tá Baranyuc, Lữ trưởng Lữ đoàn 36 Thủy quân Lục chiến Ukraine bị bắn chết khi chỉ huy phá vây.

Đại tá Baranyuc, Lữ trưởng Lữ đoàn 36 Thủy quân Lục chiến Ukraine bị bắn chết khi chỉ huy phá vây.

Quân đội Nga xác nhận thông tin do lực lượng dân quân Donbas đưa ra. Quân đội Nga cho biết họ đã theo dõi Baranyuk trong một thời gian dài và sau đó bắn các loại vũ khí chính xác cao vào vị trí của anh ta. Vật dụng cá nhân và vũ khí của Baranyuk được tìm thấy bên cạnh thi thể của ông ta.

Quân đội Nga cho rằng cái chết của Lữ trưởng Baranyuk có liên quan trực tiếp đến chính quyền Kiev. Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí để cứu sống họ, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã nhận được lệnh từ Kiev không cho phép một sự kiện đầu hàng tập thể quy mô lớn khác ở Mariupol.