Tổng thống Trump có “ngày huyền thoại, lịch sử” ở Triều Tiên

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 đã đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-un ở khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên. Đây là một động thái ngoại giao mang tính biểu tượng và là điều chưa có tiền lệ đối với một Tổng thống Mỹ.
Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên bắt tay tại DMZ hôm 30/6 (Ảnh: WSJ)
Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên bắt tay tại DMZ hôm 30/6 (Ảnh: WSJ)

Sau khi bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại đường phân giới thuộc DMZ, ông Trump đã tiến bước về phía lãnh thổ Triều Tiên, trước khi bắt tay ông Kim thêm một lần nữa. Sau đó hai nhà lãnh đạo lại bước về phần lãnh thổ của Hàn Quốc – dừng lại ở đường phân giới để chụp ảnh cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Trump đã bước qua qua đường biên giới Hàn - Triều lúc 15h46 (giờ địa phương), trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông đi khoảng 20 bước vào biên giới Triều Tiên và bắt tay ông Kim Jong-un, khẳng định đây là "bước tiến tốt đẹp" trong quan hệ hai nước.

Hai nhà lãnh đạo sau đó bước vào lãnh thổ Hàn Quốc và có cuộc hội đàm tại Nhà Tự do ở phía nam đường biên giới. Tổng thống Mỹ bày tỏ niềm tự hào và cho rằng việc bước qua biên giới là "một vinh dự lớn", trong khi lãnh đạo Triều Tiên ca ngợi hành động này thể hiện thiện chí của ông Trump trong việc "xóa bỏ tất cả quá khứ bất hạnh và mở ra tương lai mới".

“Đây là một ngày vĩ đại đối với thể giới và là niềm vinh dự của tôi khi được ở đây” – ông Trump nói – “Rất nhiều điều vĩ đại đang diễn ra”.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp của Hàn Quốc sau đó tại DMZ, ông Trump ca ngợi đây là "một ngày huyền thoại, một ngày lịch sử" và cho biết ông đã thống nhất với ông Kim Jong-un về việc khởi động lại cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ từ đầu năm nay. Nhóm đàm phán của Mỹ và Triều Tiên sẽ bắt đầu gặp gỡ và thảo luận trong khoảng từ 2-3 tuần tới. Ông Trump cũng khẳng định ông không vội đi đến một thỏa thuận.

Cuộc gặp tại DMZ bắt nguồn từ lời mời mà ông Trump đưa ra trên Twitter hôm thứ Bảy, và diễn ra trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về vấn đề giải giáp hạt nhân đang lâm thế bế tắc.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên được tổ chức hồi năm ngoái ở Singapore đã đạt được một số cam kết về giải giáp hạt nhân, nhưng bị giới phân tích cho là trống rỗng; trong khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức hồi tháng 2 năm nay không đạt được tuyên bố chung như kỳ vọng.

Mối liên lạc giữa hai bên kể từ đó giảm dần, trong khi Bình Nhưỡng thường xuyên đưa ra lời chỉ trích nhằm vào quan điểm của Mỹ - nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn trao đổi thư từ. Hôm thứ Bảy vừa qua, ông Trump đã gửi lời mời ông Kim tới DMZ trên Twitter.

“Nếu Chủ tịch Kim nghe được điều này, tôi sẽ gặp ông ấy ở biên giới/DMZ chỉ để bắt tay ông và nói xin chào!” – ông Trump viết lúc còn ở Osaka, Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trước khi tới Seoul.

Và chỉ vài giờ sau khi ông Trump đưa ra lời mời trên, Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui nói rằng đề nghị trên là “rất thú vị”.

Việc ông Trump bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên là một khung cảnh mang tính biểu tượng lớn, và nó làm nhiều người nhớ lại khung cảnh hồi năm ngoái khi ông Kim Jong-un mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng bước qua đường phân giới chia cắt hai miền Triều Tiên.

“Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ có một cú bắt tay vì hòa bình ở làng Bàn Môn Điếm lần đầu tiên” – Ông Moon nói, nhắc tới ngôi làng hòa bình ở DMZ.

Cần nhiều hơn một cú bắt tay?

Hiện nay, giới phân tích vẫn đưa ra nhiều ý kiến trái ngược về việc liệu cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim có tác động gì tới các vấn đề quan trọng hay không.

Ông John Delury – chuyên gia phân tích thuộc ĐH Yonsei, Hàn Quốc nói rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại khu vực DMZ chắc chắn sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

“Nó không chỉ là về giải giáp hạt nhân, hay một thỏa thuận, mà quan trọng chính là cuộc gặp đã được tổ chức” – ông Delury nói – “Nếu ông Trump và ông Kim gặp gỡ, tuyên bố một dạng thỏa thuận nội bộ nào đó, thì đó là điều tuyệt vời. Nếu họ gặp gỡ và không đưa ra được gì, thì cũng không sao. Còn nếu họ không gặp gỡ, việc ông Trump đề xuất cũng đã là tín hiệu tốt rồi”.

Tuy nhiên, ông Joshua Pollack – thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, lại hoài nghi về kết quả của cuộc gặp. Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa hai bên đã cho thấy Triều Tiên chỉ sẵn sàng từ bỏ hạt nhân nếu như các đòn trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của họ được gỡ bỏ.

“Một cuộc gặp không có chương trình nghị sự rõ ràng, chỉ để trưng trên truyền hình, sẽ không thể có tác dụng. Cái mà chúng ta cần là điều gì đó lớn hơn một cú bắt tay hay những bức thư” – ông Pollack nhận định.

DMZ từ lâu đã trở thành điểm đến thường xuyên của các đời Tổng thống Mỹ khi họ tới thăm Hàn Quốc – dù trực thăng của ông Trump từng buộc phải hủy chuyến thăm tới khu vực này năm 2017 do thời tiết xấu.