Tổng thống Putin: Nga “tạo ra những điều kiện mà không ai muốn gây chiến với chúng ta”

VietTimes -- Tổng thống Nga Vladimir mới đây tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phàn nàn với ông về khoản ngân sách quốc phòng “điên rồ” của nước Mỹ. Ông cũng nói rằng Nga tự bảo vệ mình bằng cách đẩy chi phí tấn công nước này lên mức quá cao đến nỗi không một nước nào dự toán được.
Tổ hợp tên lửa mặt đất Yars của Nga (Ảnh: RT)
Tổ hợp tên lửa mặt đất Yars của Nga (Ảnh: RT)

“Mỹ đã vượt qua chúng ta” xét về mặt chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Putin nói trong chương trình phỏng vấn “20 câu hỏi dành cho Vladimir Putin” của hãng thông tấn TASS. Nhưng việc trở thành nước chi mạnh tay nhất thế giới cho quốc phòng vẫn không giúp cho ông Trump vui vẻ; ông Putin nói.

“Donald đã nói với tôi rằng họ đã thông qua khoản ngân sách quốc phòng điên rồ cho năm tới, 738 tỷ USD” – ông Putin nói trong buổi phỏng vấn.

Theo ông Putin, Tổng thống Trump – người rất thích nói về khí tài quân sự của nước mình trong các chuyến công du nước ngoài, và thường xuyên khoe khoang về các lực lượng vũ trang Mỹ - thực ra lại có vẻ dè dặt một cách kín đáo. “Ông ấy nói với tôi rằng chi phí (cho quốc phòng) quá cao, nhưng ông ấy buộc phải làm vậy”, ông Putin nói, mô tả người đồng cấp Mỹ như một “người chủ trương giải giáp vũ trang”.

Xét về chi tiêu quốc phòng, Nga hiện đứng sau cả Trung Quốc, Arab Saudi, Liên hiệp Vương quốc Anh, Pháp và Nhật Bản với ngân sách dành cho quốc phòng khoảng 48 tỷ USD. Tuy nhiên, nhờ giá cả thấp nên Nga vẫn duy trì sức mua mạnh hơn phần lớn các nước phương Tây.

“Mặc dù việc tăng chi phí thường niên của chúng ta đang giảm, nhưng ngược lại, chi tiêu của các nước khác lại tăng lên” – ông Putin nói – “Chúng ta sẽ không gây chiến với bất cứ ai. Chúng ta tạo ra những điều kiện mà không ai muốn gây chiến với chúng ta”.

Tổng thống Putin cũng lý giải vì sao ông Trump – người đã ra quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga – lại do dự trong việc tham gia các vòng đàm phán về chống phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí.

“Đó là một câu hỏi khác, một câu hỏi liên quan tới sự hiểu biết về an ninh và cách để đảm bảo an ninh…Chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này” – lãnh đạo Nga trả lời mà không đi vào chi tiết.

Một hiệp ước quan trọng khác giờ cũng đang có nguy cơ đổ vỡ là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) giúp hạn chế số lượng các đầu đạn hạt nhân và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Phiên bản hiện tại của hiệp ước trên, còn gọi là New START, từng được ký trong năm 2010 bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Dmitry Medvedev. Nó sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Mặc dù Moscow đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận này, nhưng Mỹ vẫn kín tiếng.