Tổng thống Putin: Nga sắp rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Mỹ

VietTimes -- Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố Nga chuẩn bị rút khỏi một hiệp ước vũ khí hạt nhân với Mỹ, đồng thời cảnh báo về một "thảm họa toàn cầu" nếu như Washington tiếp tục rút khỏi cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế như hiện nay.
Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ rút hoàn toàn khỏi hiệp ước New START (Ảnh: AFP)
Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ rút hoàn toàn khỏi hiệp ước New START (Ảnh: AFP)

Phát biểu trước các cơ quan truyền thông quốc tế tại một Diễn đàn kinh tế tổ chức tại Saint Petersburg, ông Putin nói rằng Washington đã cho thấy họ không hứng thú gì với việc tổ chức các vòng đàm phán nhằm gia hạn Hiệp ước New START - một hiệp ước nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân ở dưới mức áp dụng thời Chiến tranh Lạnh.

"Nếu không có ai muốn gia hạn hiệp ước này - New START - vậy thì chúng tôi cũng không làm" - ông Putin tuyên bố - "Chúng tôi đã nói đến hàng trăm lần rằng chúng tôi sẵn sàng gia hạn nó. Vậy mà vẫn không có tiến trình đàm phán chính thức nào mở ra".

Hiệp ước trên từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký gia hạn ở Prague năm 2010. Nó có hiệu lực đến năm 2021. Cùng với một hiệp ước khác có tên Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), New START đóng vai trò trung tâm trong hoạt động kiểm soát vũ trang của các siêu cường thế giới.

Chính quyền Moscow đã tạm ngừng tham gia vào INF hồi tháng 3 năm nay sau khi Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ rút khỏi thỏa thuận quan trọng này do các cáo buộc Nga vi phạm nhiều điều khoản của thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cáo buộc Washington làm xói mòn các cơ chế kiểm soát vũ trang toàn cầu bằng cách rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2012 mà hai bên ký kết, và sau đó rút khỏi INF vào hồi tháng 2 năm nay. Ông Putin cho rằng việc để cho New START hết hạn sẽ mang tới hậu quả ghê gớm, có thể khai mào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

"Nếu như chúng ta không kiểm soát "con rồng lửa" này, nếu chúng ta để nó thoát ra khỏi chai - nó có thể dẫn tới một thảm họa toàn cầu" - ông Putin nói - "Sẽ không còn bất cứ cơ chế nào để hạn chế một cuộc chạy đua vũ trang, ví dụ như, việc triển khai vũ khí trên vũ trụ. Điều này có nghĩa rằng vũ khí hạt nhân sẽ treo lơ lửng trên đầu tất cả chúng ta bất cứ lúc nào".

"Hoàn toàn im lặng"

Ông Putin cho hay ông rất bối rối trước sự thiếu vắng các cuộc thảo luận quốc tế. "Liệu có ai nghĩ về nó không, hay lên tiếng đi, hãy thể hiện chút quan ngại? Nhưng không, tất cả đều là khoảng lặng" - ông Putin nói.

Lãnh đạo Nga cho hay ông đã thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng 5. "Ông Donald nói với tôi rằng ông cũng quan ngại" - ông Putin nói, thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có suy nghĩ tương tự - "Nếu họ nghĩ như vậy, thì cần phải có các bước đi để hợp tác làm việc".

Ông Putin nói rằng tất cả các cường quốc hạt nhân - cả những bên được công nhận là đang sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa được công nhận - đều nên tham gia vào cấc vòng đàm phán trong tương lai.

"Chúng ta phải tạo nên một nền tảng rộng lớn để thảo luận và đưa ra quyết định" - ông Putin nói - "Đó chính là ánh sáng cuối đường hầm".

Được biết, ông Pompeo và ông Trump từng kêu gọi Trung Quốc tham gia Hiệp ước START nhưng nước này đã từ chối.

Nga đang phát triển thế hệ vũ khí siêu thanh mới, đủ để đảm bảo an ninh nước nhà (Ảnh: AP)
Nga đang phát triển thế hệ vũ khí siêu thanh mới, đủ để đảm bảo an ninh nước nhà (Ảnh: AP)

"Sai lầm nghiêm trọng"

Ngay cả những đối thủ của ông Trump trong đảng Dân chủ cũng lên tiếng quan ngại về việc thiếu các vòng đàm phán. Trong một bức thư gửi ông Trump hôm thứ Tư trong tuần, giới lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội đã thúc giục ông Trump gia hạn New START đến hết năm 2026.

"Chúng tôi tin rằng việc bỏ qua các lợi ích của New START bằng việc ngừng gia hạn nó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với sự ổn định chiến lược và an ninh của Mỹ"  - bức thư được viết bởi 8 nhà lập pháp thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện có đoạn.

Cùng lúc, Tổng thống Nga nói rằng Moscow sẽ không sợ gì mà không rút khỏi hiệp nước này bởi họ đang phát triển một thế hệ vũ khí mới, chắc chắn sẽ "đảm bảo được an ninh Nga" trong dài hạn.

"Nói về việc chế tạo các loại vũ khí siêu thanh, chúng tôi đã vượt qua các bên cạnh tranh" - Alexander Khramchikhin, một chuyên gia thuộc Viện Phân tích quân sự và Chính trị có trụ sở tại Moscow, khẳng định - "Xem ra New START sẽ không được gia hạn".

Ông Khramchikhin thêm rằng, ông lo sợ về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn - sánh ngang bằng khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - từ đó ngăn chặn các nước đàm phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.