Tổng thống Putin: Lạm phát ở Mỹ và EU là do in tiền ở mức độ “chưa từng có tiền lệ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo Nga đã chỉ ra “sức ép in tiền” ở Mỹ và các chính sách “năng lượng xanh” của EU.
Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Lạm phát ở Mỹ là hậu quả từ những sai lầm của các cơ quan tài chính Mỹ, điều mà họ cũng thừa nhận, trong khi ở EU thì nguyên nhân là các chính sách năng lượng thiếu tầm nhìn của Brussels, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói. Ngoài ra, những hậu quả đó không liên quan gì tới hành động của Moscow ở Ukraine, ông nói thêm.

Những nỗ lực nhằm đổ lỗi cho bất ổn ở Ukraine làm chi phí sống tăng mạnh ở phương Tây là hành động né tránh trách nhiệm, ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau khi gặp gỡ người đứng đầu Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall ở Sochi.

Gần như tất cả chính phủ các nước đều đưa ra các gói kích thích để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhưng Nga làm điều đó “một cách thận trọng và chính xác hơn nhiều”, không gây ảnh hưởng tới bức tranh kinh tế vĩ mô hay gây lạm phát, ông Putin nói. Ở Mỹ thì ngược lại, tiền kích thích tăng trưởng 38% - tương đương 5,9 tỉ USD – chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

“Các cơ quan tài chính Mỹ rõ ràng cho rằng, do đồng USD là đồng tiền thế giới, giống như ngày xưa, nên nó sẽ lan rộng trong nền kinh tế thế giới và sẽ không bị để ý ở nước Mỹ. Nhưng họ đã nhầm”, ông Putin nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã làm một việc “đáng nể” khi thừa nhận rằng bà đã sai về lạm phát, ông Putin nói. “Bởi vậy đây là một sai lầm của các cơ quan tài chính và kinh tế của Mỹ, không liên quan gì tới hành động của Nga ở Ukraine.”

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Ba tuần này, bà Yellen nói rằng bà không hiểu hết được những cú sốc “bất ngờ” đối với nền kinh tế, mà trong đó giá lương thực và năng lượng tăng cao, trong khi tình trạng “thắt cổ chai nguồn cung” cuối cùng làm tăng lạm phát.

Còn đối với EU, ông Putin cho rằng lạm phát là do “chính sách thiếu tầm nhìn” của Ủy ban châu Âu về năng lượng, trong đó lãnh đạo khối này thúc đẩy “chương trình năng lượng xanh” do quan ngại về biến đổi khí hậu. Người châu Âu cũng bác các đề xuất của Nga về hợp đồng khí đốt dài hạn, từ đó khiến giá khí đốt tăng cao, ông Putin nói.

“Mọi thứ đều có liên quan tới nhau”, lãnh đạo Nga nói, nhấn mạnh rằng giá khí đốt tăng rồi sau đó đến lượt giá phân bón “tăng mạnh” – cùng nhiều mặt hàng khác – và khiến cho nhiều ngành công nghiệp không có lợi nhuận, buộc họ đóng cửa.

Đối với nhiều chính trị gia châu Âu, ông Putin nói, đây là một diễn biến mà họ hoàn toàn không lường trước được. “Nhưng chúng tôi đã cảnh báo về điều này, và điều này không liên quan gì tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Donbass cả, không liên quan gì hết”, ông Putin nói.