Tổng thống Philippines khẳng định phán quyết của tòa trọng tài Biển Đông 2016 trước Liên Hợp Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Philippines Duterte nhấn mạnh: phán quyết của Tòa án Trọng tài La Hay về Biển Đông là không được phép nghi ngờ và thỏa hiệp. 
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Duterte khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế, không có chỗ cho việc mặc cả. (Ảnh: UN).
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Duterte khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế, không có chỗ cho việc mặc cả. (Ảnh: UN).

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh trong bài phát biểu video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba 22/9: “Philippines khẳng định cam kết ở Biển Đông phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển và Phán quyết trọng tài năm 2016. Phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Ở đây không có chỗ cho việc mặc cả. Bất cứ chính phủ nào cũng đều không thể làm suy yếu hoặc bán rẻ phán quyết này”.

Tuyên bố này trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của ông Duterte có chút gây bất ngờ. Vào năm 2016, Philippines đã kiện yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông ra Tòa án La Hay và cuối cùng đã giành chiến thắng. Đây được coi là một thắng lợi ngoại giao lớn của nước này. Nhưng sau khi Rodrigo Duterte lên nắm quyền, ông đã nhanh chóng bỏ qua phán quyết này và không nhắc lại nữa, mà chọn con đường ngoại giao xích lại gần Bắc Kinh. Ông Duterte chủ trương hạ thấp tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác Philippines-Trung Quốc.

Phát biểu của Tổng thống Duterte tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể là một thay đổi có tính bước ngoặt trong lập trường của Philippines về phán quyết Biển Đông (Ảnh: Rappler).
Phát biểu của Tổng thống Duterte tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể là một thay đổi có tính bước ngoặt trong lập trường của Philippines về phán quyết Biển Đông (Ảnh: Rappler).

Tuy nhiên, đường lối thân Trung Quốc của ông Duterte không đạt được kết quả đáng kể. Một bài báo trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đã chỉ ra rằng, một mặt, Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ kế hoạch đầu tư quy mô lớn như họ đã hứa, mặt khác, việc ông Duterte kiên trì đường lối thân Trung Quốc trong nhiều năm đã không làm cho Bắc Kinh giảm bớt chính sách bành trướng ở Biển Đông. Tất cả những điều này đã khiến ông Duterte phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ giới quân sự và ngoại giao trong nước.

Các nhà quan sát nhìn chung cho rằng việc ông Rodrigo Duterte khẳng định lại kết quả của tòa trọng tài năm 2016 trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ là nhằm giảm bớt áp lực trong nước. Trong bài phát biểu của mình, ông Duterte cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với cộng đồng quốc tế đã ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài La Hay. Cách đây không lâu, các quốc gia như Đức, Pháp và Anh đã nêu rõ lập trường của họ tại Liên Hợp Quốc, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “quyền lợi lịch sử”. Hôm thứ Ba (22/9), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cần phải tuân thủ các chuẩn tắc quốc tế. Cùng với các đồng minh, chúng tôi bác bỏ quan điểm “sức mạnh chính là công lý”.  

Trang South East Asia News ngày 18/9 viết, Đức, Pháp và Vương quốc Anh đã tuyên bố trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc rằng các yêu sách “có tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết của trọng tài Philippines kiện Trung Quốc ngày 12/7/2016 đã chứng minh rõ ràng quan điểm này.

The Economic Times của Ấn Độ cũng đưa tin, Đức, Pháp và Vương quốc Anh đã tuyên bố trong một công hàm gửi Liên Hợp Quốc vào ngày 16/9 rằng yêu sách về “tính lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với Luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ngoài ra, ba nước châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thực hiện không bị cản trở các quyền tự do trên biển, đặc biệt là tự do hàng hải trên biển và trên không và quyền đi lại vô hại kể cả trên Biển Đông đã được quy định trong UNCLOS.... Báo này viết: “Pháp, Đức và Anh tin rằng tất cả các yêu sách hàng hải ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của Công ước về Luật Biển và các biện pháp, trình tự giải quyết mọi yêu sách về biển được quy định trong Công ước”.

Điểm nóng trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc là chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là "Hoàng Nham" (Ảnh: Getty).
Điểm nóng trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc là chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là "Hoàng Nham" (Ảnh: Getty).

Vào đầu tháng 9 năm nay, chính phủ liên bang Đức đã ban hành “Chuẩn tắc Ấn Độ - Thái Bình Dương” xác định hướng đi trong tương lai của đường lối ngoại giao của Đức. Văn kiện có tính cương lĩnh dài 72 trang này chỉ ra rằng Đức sẽ tăng cường hợp tác với các nước dân chủ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, không để lại không gian cho “chính trị cường quyền”. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố: “Là một quốc gia thương mại lớn, cuộc sống hạnh phúc của chúng ta không thể tách rời mậu dịch tự do và tuyến hàng hải thông suốt. Hầu hết thương mại thế giới đều đi qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Văn kiện này cũng đề cập đến khả năng cử các sĩ quan liên lạc quân sự và các loại tàu hải quân đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây là diễn biến rất đáng chú ý, có thể mang tính bước ngoặt đối với lập trường của chính quyền Rodrigo Duterte liên quan đến phán quyết Biển Đông, dù nhiều người vẫn còn e ngại với việc luôn thay đổi lập trường của vị tổng thống này.

Sau vài năm thờ ơ, việc ông Duterte khẳng định phán quyết của tòa trọng tài trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là một biểu hiện nữa cho thấy phán quyết này đã được hồi sinh và trở lại đúng vị trí của nó, sau hàng loạt công hàm của các bên liên quan gửi đến Liên Hiệp Quốc kể từ cuối năm 2019, mà mới nhất là công hàm chung nói trên của ba nước Anh, Pháp và Đức.