Tổng thống Nga bất ngờ tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 25/3 Tổng thống Nga Putin cho biết theo đề nghị của Tổng thống Belarus Lukashenko, Nga quyết định sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, Mỹ và đồng minh phản ứng khác nhau.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus (Ảnh: NHK).
Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus (Ảnh: NHK).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia-24, ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ đến Belarus sớm nhất là vào mùa hè này.

Ông nói: "Từ ngày 3/4, chúng ta sẽ bắt đầu đào tạo các nhân viên liên quan. Vào ngày 1/7, chúng ta sẽ kết thúc việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus."

Ông Putin nhấn mạnh, Nga đã giúp Belarus tái trang bị máy bay, ngoài ra hệ thống tên lửa Iskander đã được chuyển đến Belarus. Ông chỉ ra rằng những vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được triển khai mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế có liên quan; Mỹ mấy chục năm qua đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại lãnh thổ các nước đồng minh, nước Nga cũng chỉ làm giống như Mỹ, không vi phạm các cam kết phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông Putin cho biết, quyết định này không có nghĩa là Nga sẽ chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus mà chỉ triển khai vũ khí của Nga tới Belarus. Ông không nói cụ thể khi nào các vũ khí này sẽ được chuyển đến địa điểm mới.

Ông Putin nói thêm rằng động thái này của Nga nhằm đáp lại tuyên bố của Anh về việc cung cấp đạn uranium làm nghèo cho Ukraine.

Báo Anh The Guardian đưa tin về sự kiện này.

Báo Anh The Guardian đưa tin về sự kiện này.

Hồi đầu tháng 3, Anh tuyên bố sẽ cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine cùng với xe tăng chủ lực Challenger-2. Một số quan chức Mỹ định xua tan những lo ngại của Nga bằng cách tuyên bố rằng đạn uranium nghèo là "vũ khí thông thường" đã được "sử dụng trong nhiều thập kỷ qua". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã nêu lịch sử sử dụng bom (đạn) uranium nghèo của NATO và cảnh báo rằng việc sử dụng loại đạn này sẽ gây ra thảm họa ở Ukraine.

Reuters đưa tin Mỹ "đáp trả thận trọng" trước tuyên bố của Nga. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã thảo luận về việc triển khai vũ khí hạt nhân trong một thời gian, nhưng "chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh việc bố trí hạt nhân của mình, cũng như không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".

Nhà Trắng sau đó đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản với nội dung tương tự qua email: "Chúng tôi đã xem các tin liên quan và sẽ tiếp tục chú ý. Hiện tại, chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh việc bố trí hạt nhân của mình, cũng như không thấy có dấu hiệu rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn nỗ lực (duy trì, củng cố) 'phòng thủ tập thể' của NATO".

Ông Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tuyên bố: "Đây là một nỗ lực nhằm đe dọa NATO vì nó không có tác dụng quân sự ở Belarus, dù sao bên trong lãnh thổ Nga đã có rất nhiều loại vũ khí này và quân đội."

Anh tuyên bố cung cấp đạn uranium nghèo cùng xe tăng Challenger-2 cho Ukraine dẫn tới việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus (Ảnh: QQ).

Anh tuyên bố cung cấp đạn uranium nghèo cùng xe tăng Challenger-2 cho Ukraine dẫn tới việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus (Ảnh: QQ).

Đài Nga RT đưa tin, ông Lukashenko đã nhiều lần đề cập rằng việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại các nước EU tạo thành mối đe dọa đối với Belarus. Vào tháng 10/2022, khi Lukashenko đề cập đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Ba Lan và Washington, ông nói rằng Belarus cần thực hiện "các biện pháp thích đáng" để đối phó với mối đe dọa này và sẽ thảo luận vấn đề này với Putin.

Theo các nguồn tin, Mỹ hiện triển khai vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi Mỹ rút chúng đi nhưng bị Mỹ và các nước NATO khác bác bỏ.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, trong chiến tranh Iraq, Mỹ đã sử dụng khoảng 1.000 đến 2.000 tấn bom uranium nghèo để chống lại Iraq. Loại vũ khí này thải ra bụi phóng xạ, gây ung thư, các vấn đề về sinh sản và các bệnh di truyền. Sau chiến tranh Iraq, cứ 100.000 người ở Iraq thì có tới 1.600 người mắc bệnh ung thư, trong khi trước những năm 1990, tức trước Chiến tranh vùng Vịnh, tỷ lệ người mắc ung thư chỉ là 40/100.000.

Việc cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí bom (đạn) uranium nghèo cho thấy NATO đã hoàn toàn vượt ranh giới và không lâu nữa, đòn phản công của Nga sẽ đến rất nhanh.

Ông Putin cũng tiết lộ, thực tế Belarus đã có ý định này từ lâu nhưng trước đó Nga chưa đồng ý nhưng động thái viện trợ bom uranium nghèo của Anh đã khiến họ phải khởi động lại đàm phán.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko (Ảnh: QQ).

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko (Ảnh: QQ).

Ngay sau khi tuyên bố của Putin được đưa ra, phương Tây ngay lập tức không thể ngồi yên. Trước hết, Ukraine đã nhìn thấy cơ hội, ông Podolyak, cố vấn trưởng của Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho rằng châu Âu nên khởi động một đợt trừng phạt mới đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời nên cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn để đối phó Nga.

Podolyak nói Ukraine không mong đợi Paris cung cấp máy bay chiến đấu "Mirage", nhưng hy vọng sẽ thiết lập một "liên minh không quân" viện trợ các máy bay chiến đấu cho Ukraine ở châu Âu.

Sau đó, Đức đã phản ứng rất quyết liệt, Bộ Ngoại giao Đức lên án mạnh mẽ quyết định của Nga và cho rằng đó là "vụ tống tiền hạt nhân" đối với châu Âu.

Điều thú vị là các chuyên gia trong nước Đức cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Mỹ triển khai bom hạt nhân ở Đức nhưng đảng đối lập Đức trong nhiều năm đã yêu cầu Mỹ rút các vũ khí hạt nhân này.

Phản ứng của Mỹ cũng rất nhanh chóng, ngày thứ hai sau khi ông Putin công bố quyết định, Lầu Năm Góc ra tuyên bố cho biết hiện chưa có thông tin tình báo nào cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, và Mỹ sẽ không điều chỉnh việc triển khai các lực hạt nhân trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, Nhà Trắng chỉ ra trong một tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết duy trì và củng cố "phòng thủ tập thể" của NATO và rõ ràng là không có ý định nhượng bộ.

Nga sẽ sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong mùa hè này (Ảnh: Sohu).

Nga sẽ sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong mùa hè này (Ảnh: Sohu).

So với phương Tây, lập trường của Mỹ có vẻ ít cấp tiến hơn, và lý do được hiểu rõ là bởi vì lực lượng hạt nhân của Mỹ ở châu Âu là có thật và hành động của Anh dường như cũng không được đồng tình.

Sau khi Anh tuyên bố cung cấp đạn uranium nghèo, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Haq đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo và Mỹ cũng nhanh chóng tuyên bố sẽ không cung cấp bom uranium nghèo cho Ukraine.