Tổng thống Mỹ: Nếu có chiến tranh, Iran sẽ chịu sự “hủy diệt chưa từng thấy“

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo Iran rằng một cuộc chiến với nước Mỹ sẽ là "sự hủy diệt mà các bạn chưa từng thấy" sau khi hủy kế hoạch tấn công nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này vào phút chót hồi tuần trước.
Tổng thống Trump cảnh báo Iran về "sự hủy diệt chưa từng thấy" trong cuộc phỏng vấn với NBC (ảnh: Politico)
Tổng thống Trump cảnh báo Iran về "sự hủy diệt chưa từng thấy" trong cuộc phỏng vấn với NBC (ảnh: Politico)

Trong buổi phỏng vấn với kênh NBC phát sóng hôm Chủ nhật vừa qua, ông Trump nhận được câu hỏi từ người dẫn chương trình Chuck Todd rằng ông muốn gửi đi thông điệp gì tới lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei. Ông chủ Nhà Trắng trả lời rằng ông không muốn chiến tranh, nhưng tự tin nói rằng Iran sẽ không có lấy một cơ hội trong bấy kỳ cuộc đối đầu quân sự nào.

"Tôi không mong muốn chiến tranh, nhưng nếu nó xảy ra, các bạn sẽ chứng kiến sự hủy diệt chưa từng thấy" - ông Trump nói - "Nhưng tôi không mong làm điều đó, các bạn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Các bạn muốn đàm phán thì tốt thôi. Còn không thì các bạn sẽ có một nền kinh tế tệ hại trong 3 năm tới".

Người dẫn chương trình Todd đặt câu hỏi: "Không có điều kiện nào sao?".

"Đến nay thì không có" - ông Trump trả lời - "Không có điều kiện trước". Ông cũng thêm rằng luôn sẵn sàng đối thoại với giới lãnh đạo Iran, còn không thì họ sẽ buộc phải sống trong một "nền kinh tế đổ vỡ trong khoảng thời gian dài".

Ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông có cả những chú chim bồ câu và diều hâu trong chính quyền của mình: "Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton rõ ràng là diều hâu. Nếu quyết định nằm trong tay ông ta, ông ta sẽ chống lại cả thế giới cùng lúc".

Trong hôm thứ Sáu tuần trước, ông Trump cho hay ông đã "sẵn sàng" thực hiện hàng loạt cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran sau khi quốc gia Vùng Vịnh này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà Tehran cho là vi phạm không phận của họ.

Chiến dịch tấn công được cho là nhằm vào các mục tiêu của Iran vào khoảng thời gian rạng sáng (giờ địa phương) hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói ông đã hủy lệnh tấn công chỉ 10 phút trước khi nó xảy ra, thêm rằng ông không muốn có 150 người thiệt mạng vì chiến dịch này.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm Chủ nhật vừa qua cũng cho hay, chính quyền Trump không tin rằng giới lãnh đạo Iran đã hạ lệnh thực hiện vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.

Dù ông Trump khẳng định rằng lằn ranh đỏ của ông là việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các chính sách của ông thực ra lại khiến viễn cảnh đó dễ xảy ra hơn. Nhiều báo cáo mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố gần đây nhất đều cho thấy Iran đang tuân thủ các cam kết theo Thỏa thuận hạt nhân đã ký kết năm 2015.

Theo thỏa thuận này (Kế hoạch Hành động chung Toàn diện - JCPOA) - được ký kết bởi Mỹ, Pháp, Đức, Anh EU, Nga, Iran và Trung Quốc - Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân trong nước, đổi lấy việc được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nhận được các khoản đầu tư nước ngoài.

Kể từ sau khi rút khỏi JCPOA, Mỹ ra sức áp đặt lại các lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào nền kinh tế Iran, làm nảy sinh nhiều vấn đề ở đất nước này. Các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu đều lên tiếng chỉ trích quyết định rút khỏi JCPOA của ông Trump, đồng thời làm việc với Nga, Trung Quốc và Iran để tìm cách né lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhưng trong lúc cá đòn trừng phạt bắt đầu phát huy tác dụng, giới lãnh đạo Iran hồi tháng trước tuyên bố rằng họ sẽ ngừng thực thi một số cam kết trong JCPOA. Tuần trước, Iran cũng tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ cam kết giới hạn đối với làm giảu uranium, có nghĩa rằng họ sẽ vượt qua mức uranium làm giàu được cho phép theo thỏa thuận vào cuối tháng này.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif liên tiếp cáo buộc Mỹ "khủng bố kinh tế". Lãnh đạo tối cao Khamenei thì nói rằng Iran đã loại bỏ hết khả năng thảo luận với chính quyền Trump. Nhiều nhà lãnh đạo khác ở Tehran cũng khẳng định họ chỉ trở lại bàn đàm phán nếu như Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo Newsweek