Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tim Cook tham dự sự kiện đón thiết bị đến Mỹ của TSMC ở Arizona

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tim Cook và các lãnh đạo công ty công nghệ Mỹ đã tham dự một sự kiện của TSMC, chào mừng trang thiết bị sản xuất chip tiên tiến của công ty đến Phoenix, Arizona.
Nhà máy đầu tiên của TSMC tại Phoenix, Arizona.
Nhà máy đầu tiên của TSMC tại Phoenix, Arizona.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã có mặt phía bắc Phoenix, tham dự buổi lễ “tiếp nhận công cụ” của TSMC, đánh dấu sự xuất hiện của trang thiết bị sản xuất cho xưởng đúc chip đầu tiên.

Ông Joe Biden đến Phoenix, phát biểu giới thiệu về ngành sản xuất của Mỹ và Đạo luật Khoa học và CHIPS. Ảnh The Verge

Ông Joe Biden đến Phoenix, phát biểu giới thiệu về ngành sản xuất của Mỹ và Đạo luật Khoa học và CHIPS. Ảnh The Verge

“Những con chip này sẽ cung cấp sức mạnh tính toán cho iPhone và MacBook, như ông Tim Cook có thể chứng thực,” Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong sự kiện bên ngoài nhà máy ở Arizona ngày 6/12, “Apple đã phải mua tất cả chip tiên tiến từ nước ngoài. Bây giờ chúng ta sẽ làm nhiều hơn nữa cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tại quê nhà.”

Công ty công nghệ khổng lồ Apple đã có kế hoạch bắt đầu sử dụng bộ vi xử lý được sản xuất tại Mỹ sau khi TSMC khai trương một nhà máy sản xuất chip tiên tiến mới ở Phoenix, Arizona.

Đối với những khách hàng của nhà máy, bao gồm cả AMD và NVIDIA, xưởng đúc mới sẽ cung cấp chip với độ an toàn cao và tiến độ sản xuất nhanh hơn. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng Đài Loan, TSMC cũng cho biết sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy thứ hai ở Phoenix vào năm 2023, giúp tăng sản lượng hàng năm trên lãnh thổ Mỹ.

Một đột phá và bước phát triển thay đổi sự phát triển của ngành công nghiệp Mỹ

Nhà máy sản xuất chip là một tòa nhà lớn, hiện đại, bao quanh là những con đường mới trải nhựa và những cây xương rồng sống sót sau chiến dịch san ủi sa mạc để xây dựng. Trong sự kiện công khai đầu tiên, TSMC tổ chức buổi lễ chào đón khách hàng, nhân viên, lãnh đạo địa phương và nhà báo đến thăm quan nhà máy mới, trước hết là bên ngoài nhà máy.

TSMC là một xưởng đúc chuyên dụng, được xây dựng để sản xuất dây chuyền những con chip do các công ty khác thiết kế. Apple, AMD và NVIDIA là một trong những khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp và thậm chí Intel cũng đặt hàng TSMC để sản xuất những bộ vi xử lý tiên tiến nhất.

Nhà máy Phoenix đầu tiên sẽ sản xuất bộ xử lý 4nm (được nâng cấp từ 5nm theo tuyên bố ban đầu), hoạt động sản xuất dự kiến ​​​​bắt đầu vào năm 2024. Nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 và sản xuất chip 3nm, đây là bộ xử lý nhỏ nhất và phức tạp nhất được thiết kế cho các thiết bị điện tử hiện nay.

Theo thông cáo báo chí, TSMC cho biết sẽ đầu tư tổng thể là 40 tỉ USD vào công suất sản xuất chip ở Arizona, một trong những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từng được thực hiện vào hoạt động sản xuất Mỹ. 2 nhà máy TSMC sẽ sản xuất hơn 600.000 tấm wafer hàng năm tính từ năm 2026. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, số lượng này đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Mỹ về chip tiên tiến.

Các lãnh đạo cao cấp hãng Apple, AMD và NVIDIA xác nhận trong sự kiện ngày 6/11, những doanh nghiệp này sẽ là khách hàng đầu tiên mua chip từ các nhà máy mới của TSMC ở Arizona.

Giám đốc điều hành NVIDIA Jensen Huang cho biết: “TSMC đã trở thành một nền tảng toàn cầu mà ngành công nghệ thế giới được xây dựng trên đó. Mang vốn đầu tư của TSMC đến Mỹ là một bước đột phá và phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp điện tử thế giới.”

Buổi chiều trong ngày, nhiều diễn giả đã phát biểu với những tham dự, nhấn mạnh sức hấp dẫn của TSMC đối với sự phát triển của Arizona. Các nhân viên mặc áo đỏ của TSMC đứng rải rác trong một đám đông khoảng 200 người, những bài phát biểu nhiều đến mức ban tổ chức thậm chí phải tạm dừng để nâng ly rượu sâm panh chúc mừng, chia tay với sự kiện.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Thượng nghị sĩ Arizona Mark Kelly và các thành viên khác thuộc phái đoàn Quốc hội Arizona cũng có mặt trong buổi lễ. Đi cùng với phái đoàn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gồm Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành Microchip Ganesh Moorthy và nhà sáng lập tập đoàn TSMC Morris Chang.

Những khách hàng đầu tiên của TSMC không công bố kế hoạch mua bao nhiêu chip từ những nhà máy này, nhưng với quy trình công nghệ 3nm và 4nm, chip Arizona sẽ tiên tiến hơn so với những gì các doanh nghiệp Mỹ hiện đang sử dụng. Chip A16 của Apple, sử dụng trong iPhone 14 Pro và Pro Max, chip M2 cho MacBook đều được sản xuất bằng công nghệ xử lý 5nm.

Đến thời điểm các nhà máy ở Arizona đi vào hoạt động, TSMC sẽ sản xuất chip tiên tiến hơn tại các cơ sở ở nước ngoài. Theo Nikkei Asia, công ty có kế hoạch sản xuất chip 2nm vào năm 2025.

Tim Cook và các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Mỹ tham dự sự kiện tuyên bố sẽ mua chip của TSMC, sản xuất trên lãnh thổ Mỹ. Ảnh The Verge

Tim Cook và các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Mỹ tham dự sự kiện tuyên bố sẽ mua chip của TSMC, sản xuất trên lãnh thổ Mỹ. Ảnh The Verge

“Tiến trình đạt được với Apple Silicon đã thay đổi các thiết bị của chúng tôi,” ông Tim Cook phát biểu. “Khi dừng lại và suy ngẫm, thật phi thường với những gì mà công nghệ chip có thể đạt được. Giờ đây, nhờ vào nỗ lực làm việc chăm chỉ của rất nhiều người, những con chip này có thể tự hào được đóng dấu “Made in America”.”

Mỹ đang trong quá trình hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn

Mỹ đang trong quá trình phục hồi ngành sản xuất chất bán dẫn, một phần do tác động từ chuỗi cung ứng, bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Phần lớn linh kiện bán dẫn của thế giới đang sản xuất ở châu Á, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 10% chất bán dẫn cho thế giới.

Apple đã dành nhiều năm qua để mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm ra ngoài Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, có thể xảy ra trong tương lai. Hiện hãng đang sản xuất một số iPhone ở Ấn Độ và tìm giải pháp mở rộng sản xuất MacBook và Apple Watch sang Việt Nam. Các nhà máy sản xuất chip của TSMC không có nghĩa là Apple sẽ sản xuất iPhone với đầy đủ chuỗi cung ứng tại Mỹ, nhưng những nhà máy tương tự sẽ cung cấp các thành phần quan trọng được sử dụng trong các sản phẩm của Apple.

Sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn đã khiến Apple mất khoảng 6 tỉ USD doanh số bán hàng và công ty cho biết sẽ lên kế hoạch mua bổ sung chip từ các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ để giải quyết những khó khăn thách thức từ nguồn cung.

Sau đại dịch, các chính trị gia Mỹ cũng thúc đẩy tái phục hồi sản xuất để tránh phụ thuộc vào những quốc gia khác.

Động năng cho sự phục hồi sản xuất đạt đến đỉnh điểm trong Đạo luật Khoa học và CHIPS, một bộ văn kiện pháp lý chứa 52 tỉ USD tài trợ cho sản xuất chip trong nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký bản dự luật thành luật vào tháng 8, nhưng đến nay khoản tài trợ này vẫn chưa được giải ngân.

Bộ Thương mại sẽ phân bổ số tiền này thông qua chương trình “Chip cho nước Mỹ”, bắt đầu từ năm 2023. Các công ty nước ngoài cũng sẽ đủ điều kiện nhận những ưu đãi này nếu doanh nghiệp đang xây dựng năng lực sản xuất của Mỹ, TSMC đã tuyên bố công khai sẽ xin tài trợ CHIPS.

Đến thời điểm này, ngay cả khi không có nguồn tài trợ của CHIPS, một số dự án bán dẫn lớn vẫn đang được triển khai. Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu nước Mỹ, có cơ sở sản xuất lớn nhất tại Chandler trên vùng ngoại ô lớn của Phoenix. Công ty đang đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực mở rộng sản xuất trị giá 20 tỉ USD tại khuôn viên Chandler, sẽ được đưa vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2024.

Intel đang lên kế hoạch xây dựng “cơ sở sản xuất silicon lớn nhất hành tinh” ở Ohio, bắt đầu với khoản đầu tư 20 tỉ USD. Công ty chưa tuyên bố chính thức, doanh nghiệp sẽ xây dựng cơ sở sản xuất gì ở Ohio, nhưng tuyên bố, quá trình sản xuất dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Trong tháng 10, Micron, công ty sản xuất bộ nhớ và chip lưu trữ cho biết sẽ đầu tư tới 100 tỉ USD để xây dựng một “siêu nhà máy” ở New York. Tại Texas, Samsung đang đầu tư 17 tỉ USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Austin nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trực tiếp với TSMC trên lãnh thổ Mỹ.

Ông Chang, nhà sáng lập TSMC, trong bài phát biểu của mình cho biết, ông đã mơ ước xây dựng nhà máy ở Mỹ từ lâu và chủ tịch đương nhiệm của TSMC, Mark Liu đã biến giấc mơ đó thành hiện thực. Ông nhấn mạnh: “Giấc mơ của tôi 25 năm trước giờ sẽ được Mark thực hiện.”

Theo The Verge