Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói gì về đồng phục mới gây tranh cãi?

Tấm ảnh phát tán trên mạng cho rằng đó là đồng phục mới của Vietnam Airlines là không chính xác, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, chia sẻ về tấm ảnh phát tán trên mạng cho rằng đó là đồng phục mới của Vietnam Airlines, được dẫn lời trên Một thế giới, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khẳng định đấy không phải là đồng phục mới của Vietnam Airlines.

"Tôi không biết tấm ảnh đó ở đâu xuất hiện trên mạng và người ta cho rằng đó là đồng phục của Vietnam Airlines. Các anh có thể liên hệ với chúng tôi để có được bộ đồng phục chính thức", ông Phạm Ngọc nói.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, bộ đồng phục chính thức của hãng hàng không Vietnam Airlines do Kubo Design (Mỹ) và NTK Minh Hạnh chủ trì thiết kế chính. Dự kiến ngày 8/3, bộ đồng phục này sẽ được mặc thử nghiệm trên các chuyến bay của Vietnam Airlines và sẽ lấy ý kiến của khách hàng nhận xét về bộ đồng phục này.

Đồng phục mới của nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.
Đồng phục mới của nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.
Đồng phục mới của phi côngĐồng phục mới của phi công

Một đại diện của Vietnam Airlines cho báo Một Thế Giới biết: “Có một số hình ảnh đồng phục được phát tán trên các trang mạng xã hội không phải là bộ đồng phục chính thức của Vietnam Airlines đã mặc thử nghiệm hôm 3/3 vừa qua. Đây là hình ảnh trong buổi báo cáo phương án đồng phục từ cuối tháng 10/2013”.

Trước đó, ngày 3/3, loạt đồng phục mới dành cho phi công và tiếp viên của Vietnam Airline đã được ra mắt.

Theo đó, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn quyết định giữ lại hình ảnh chiếc áo dài nhưng gần như thay đổi toàn bộ về màu sắc và kiểu dáng. Đồng phục dành cho phi công và nam tiếp viên là hình tượng hoa sen của logo Vietnam Airlines và hình triện chữ Vạn - tượng trưng cho bình an, may mắn, tốt lành. Với nữ tiếp viên, hoa văn trên đồng phục là mô tuýp hoa sen cách điệu - tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự thanh cao.

Đồng phục mới chia thành 2 màu sắc: Màu vàng nhạt dành cho tiếp viên phục vụ khoang thương gia (hạng C) và màu xanh lam cho tiếp viên làm việc tại khoang thông thường (hạng Y). Những màu sắc này tương thích với nội thất trong khoang máy bay thế hệ mới mà hãng sắp nhận.

Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, việc thay đổi đồng phục của tiếp viên và phi công của Vietnam Airlines đã gây "làn sóng" tranh luận trái chiều.

Trước những tranh cãi về đồng phục của Vietnam Airline, nhà thiết kế của mẫu trang phục mới Vietnam Airlines - NTK Minh Hạnh đã lên tiếng giải thích về mẫu thiết kế của mình.

Trên báo Dân trí, NTK Minh Hạnh cho biết: “Gần 15 năm trước, tôi cũng là tác giả của bộ đồng phục Vietnam Airlines đang sử dụng, khi ấy nhiều quan điểm cho rằng cần phải đổi mới hình ảnh của Vietnam Airlines bằng cách không chọn áo dài mà phải là váy và veston thì mới gọi là hiện đại. Khi ra mắt cũng có ý kiến rất nhiều chiều. Sau đó không lâu tất cả những cơ quan đoàn thể khắp nơi trên toàn quốc đều sử dụng kiểu dáng này, màu đỏ này kể cả những đường viền vàng.

Một bộ đồng phục mà phải sử dụng gần 15 năm là điều thật khó tưởng nếu chúng ta mong muốn thay đổi. Khi thiết kế Áo dài đồng phục cho một ngành nghề, chúng ta cần hiểu rõ bản chất và những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề ấy. Khái niệm về Đẹp là một khái niệm mang tính cá nhân và cá nhân đó cũng thể hiện rõ nét về trình độ, gout thẩm mỹ khi nhìn nhận về một cái đẹp nào đó”.

Nói về sự nổi bật và khác biệt của mẫu thiết kế mới này so với mẫu thiết kế mà hãng hàng không đã mặc trước đó, NTK Minh Hạnh cho biết: “Điều quan trọng nhất trong trang phục chính là tạo ra được chất liệu độc quyền trên những ý tưởng này, chất liệu này phải có dấu ấn riêng của Vietnam Airlines (không bị copy như trong tình huống này với chiếc áo dài đỏ).

Vì thế, không chỉ chất liệu áo dài có dệt nổi hoa sen mà ngay cả chemise trắng của Nam phi công và tiếp viên cũng có logo hoa sen dệt chìm. Những chi tiết cổ và tay áo được cách điệu mạnh hơn tạo đường nét của đôi cánh tự do nhấn mạnh chữ V với ý nghĩa chữ Việt. Màu sắc của hạng C và hàng Y (hạng phổ thông) dựa vào màu sắc của nội thất được định hình bằng quan điểm màu vàng của đất và màu xanh của bầu trời hy vọng”.

Theo Đời sống & Pháp luật