Dự thảo nghị định "quản" xe công nghệ như taxi truyền thống:

Tổng giám đốc Aber: Sẽ tùy biến theo chính sách để có mức giá cước cạnh tranh

VietTimes -- Trao đổi với VietTimes, Tổng giám đốc Aber Việt Nam Huỳnh Lê Phú Phong cho biết hiện tại Aber không bình luận hay phân tích những chính sách đó mà sẽ tùy biến để phù hợp để áp dụng vào hoạt động cụ thể của hãng, nhằm có mức giá cước cạnh tranh.
Ông Huỳnh Lê Phú Phong -- Tổng giám đốc Aber Việt Nam.
Ông Huỳnh Lê Phú Phong -- Tổng giám đốc Aber Việt Nam.

Trao đổi với VietTimes về việc nội dung dự thảo lần thứ 6 Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ, ông Huỳnh Lê Phú Phong, Tổng giám đốc Aber Việt Nam cho biết hiện tại Aber không đánh giá, không bình luận cũng không phân tích những chính sách đó. Khi các chính sách được thông qua, Aber sẽ dựa vào đó và tùy biến để thực hiện cho đúng với yêu cầu pháp luật quy định.

Theo ông Phú Phong, việc tùy biến đó nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng lượng khách hàng, tăng kết nối giữa đối tác tài xế và khách hàng một cách tối đa trong khuôn khổ chính sách của Nhà nước. Và nó được vận dụng linh hoạt, được thể hiện ngay từ chính sách giá. Ông Phong cho biết, với mức chiết khấu khoảng 5,5%, tương đương 25% mức chiết khấu của Grab, tài xế của Aber sẽ được đảm bảo thu nhập do mức chi phí quản lý thấp và chiết khấu hấp dẫn. Theo đó, khách hàng được hưởng lợi về mức giá cước cạnh tranh.

Bình luận về việc các hãng xe công nghệ đưa ra con số về thị phần nắm giữ bất nhất, đại diện Aber thẳng thắn cho rằng hiện các con số này đều là ước đoán mà không dựa trên sở cứ cụ thể.Hiện không có hãng nào có thể đo đếm một cách chính xác thị phần. Theo ông Phong, việc tuyên bố thị phần của một số hãng trước đây chỉ là phỏng đoán, bởi để có được con số chính xác, các hãng phải thực hiện đo đếm số lượng khách hàng, doanh thu, số lượng tài xế, cuốc xe… Tuy nhiên, nếu không có đơn vị thực hiện độc lập thì con số thống kê này cũng không đáng tin.

Ông Phong phân tích: “Thị trường gọi xe công nghệ hiện nay đang có chung một lượng khách hàng. Trong đó, 80% tài xế cùng lúc chạy cho nhiều ứng dụng khác nhau. Do đó, các hãng có thể có chung một lượng tài xế nhất định. Đó là chưa kể, tùy mỗi thời điểm mà lại có những con số khách hàng, tài xế khác nhau. Do đó, không thể nói rõ ràng thị phần của các hãng xe công nghệ được”.

Được biết, sau TP.HCM, vừa qua, Aber đã chính thức khai trương văn phòng chi nhánh tại Hà Nội, chính thức tham gia cạnh tranh với các hãng xe công nghệ đã triển khai dịch vụ tại đây, như Grab, Go-Viet, Fastgo, Vato,… Ngoài xe 2 bánh và 4 bánh chở khách, Aber còn chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ gồm xe 2 bánh chở khách (Aber Bike), xe 2 bánh giao hàng (Aber Express), xe 4 bánh chở khách (Aber Car), xe tải chở hàng (Aber Truck), xe phục vụ doanh nghiệp (Aber Business) và dịch vụ hướng dẫn du lịch (Aber Travel)…

Tổng giám đốc Aber cho biết, sau Hà Nội và TP.HCM, hãng này tiến đánh thị trường mới tại các tỉnh thành khác của Việt Nam, vốn là những “thị trường ngách” chưa có dịch vụ gọi xe công nghệ. Cụ thể, sau khi ra mắt tại Hà Nội, Aber sẽ khai trương tại Đắk Lắk rồi tiến tới toàn bộ vùng Tây Nguyên.

"Đăk Lăk là thủ phủ của cà phê và các mặt hàng nông sản. Vì vậy, Aber chú trọng vào việc đẩy mạnh thị trường giao hàng bằng xe tải tại Đăk Lak và các tỉnh Tây Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản của các địa phương này nhanh chóng và thuận tiện”, ông Phong nói thêm.