Tổng Cục thuế: Người uống rượu bia có trách nhiệm đáng được biểu dương!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người lạm dụng rượu bia thì đáng trách nhưng người uống rượu bia có trách nhiệm thì đáng biểu dương, bởi họ đảm bảo được sự cân bằng giữa sức khỏe và tiền bạc, giữa cung – cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ Trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế - cho rằng cần nhận thức đúng về việc tiêu dùng rượu bia.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ Trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế - cho rằng cần nhận thức đúng về việc tiêu dùng rượu bia.

Đó là quan điểm được ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ Trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nêu ra tại Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát do Tạp chí Diễn đoàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 20/11.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, năm 2019, ngành rượu bia đóng góp khoảng 60.000 tỉ đồng vào ngân sách. Riêng 10 tháng qua, dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng năm nay đã nộp hơn 39.000 tỉ đồng.

Ông Phụng nhận định, ngành bia rượu là ngành tạo ra năng suất lao động tương đối cao khi sử dụng tới gần 250.000 lao động, bao gồm những công nhân trong nhà máy đến hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, bia, rượu hay rộng hơn là ngành đồ uống có cồn cũng được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội. Do đó, Chính phủ hiện nay đang áp nhiều loại thuế nhằm hạn chế mức độ tiêu thụ của loại thực phẩm này.

Ví dụ như việc rượu bia đang chịu 9 trong số 12 loại thuế, như thuế xuất nhập khẩu được “đánh” với nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu để sản xuất rượu bia. Thuế giá trị gia tăng 10% đối với hàng hóa là bia, rượu và nước giải khát. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp với bia và rượu nồng độ cồn cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp được ở mức 20%.

Ngoài ra, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (2003) thì hàng hóa đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng. Còn lại, rượu trên 40% độ phải chịu thuế ở mức 75%, có nồng độ khoảng 20-40 độ chịu thuế mức 30%, rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả chịu thuế 20%, rượu thuốc chịu thuế 15%,...

Mặt hàng bia rượu cũng bị “kỳ thị” khi Nghị định 41/2020 về miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lại không áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất rượu, bia.

Ông Nguyễn Văn Phụng nhận định: “Rượu bia không có tội, chỉ những người lạm dụng rượu bia mới có tội. Luật chỉ nên phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, chứ không phải phòng chống tác hại của rượu bia”.

Ông Phụng nhìn nhận, người lạm dụng rượu bia là người đáng trách nhưng người uống rượu bia có trách nhiệm thì đáng biểu dương, bởi họ đảm bảo được sự cân bằng giữa sức khỏe và tiền bạc, giữa nhu cầu cung – cầu của thị trường.

Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông – cho rằng, tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt lên ngành rượu bia là rất nặng nề. Nếu cứ tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu sẽ bị xử phạt là khá khiên cưỡng.

Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông

Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông

Thực tế, tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao bởi phương tiện cá nhân nhiều, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nhiều hơn là từ rượu bia. Và hiện nay cũng chưa có điều tra xã hội học nào đánh giá tác động của Nghị định từ khi đi vào thực tế.

Dẫn số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Luật sư Huế cho rằng chỉ có số lượt xử phạt vì sử dụng rượu bia giảm nhưng không thể chứng minh số tai nạn giao thông vì rượu bia trong năm 2020 giảm.

Do đó, ông Huế đề xuất cần sửa đổi ngay Nghị định 100 để “cứu” ngành rượu bia. Nếu Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được thực hiện thẳng thắn và nghiêm minh thì không cần phải có đến Nghị định 100. Vấn đề là ý thức người tham gia giao thông hiện nay chưa tốt.

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp đồ uống có mức tăng trưởng cao hàng đầu tại Việt Nam, khoảng 6%/năm, đóng góp hơn 10% GDP. Thống kê từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, hiện nay mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 40l bia/năm, tương đương với mức tiêu thụ của người dân các nước phát triển khác trong khu vực.